Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

"Rồi tất cả sẽ bình thường thôi!"

Rồi tất cả sẽ bình thường thôi,
Trời sẽ sáng dù đêm dài dông tố.
Có ai mà không một lần đau khổ,
Nếu muộn phiền, em hãy khóc cho vơi…

Rồi tất cả sẽ bình thường thôi,
Nín đi em - má hồng đã thấm ướt.
Đời dài lắm hãy cùng nhau bước,
Có hoa hồng nào trải suốt đâu em...

Rồi tất cả sẽ bình thường thôi,
Cũng như trăng tròn rồi lại khuyết.
Em đừng đếm đong điều hơn, điều thiệt,
Học quên buồn, học nghĩ đến niềm vui...

Em sẽ thấy muộn phiền rồi sẽ qua đi,
Đau khổ - không bao giờ là mãi mãi.
Em sẽ nghe hoa và lá hát,
Mặt trời vàng - em hãy ngắm cùng anh…

Ừ, rồi tất cả sẽ bình thường thôi!

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Bạn đời

Trên thế giới có cả tỷ người có thể yêu hoặc không yêu nhau và đi đến hôn nhân. Bao nhiêu người trong số đó thực sự nắm tay nhau đi hết con đường đời và thực sự trở thành bạn đời của nhau khi mọi thứ hoàn mỹ xung quanh như tiền bạc, nhan sắc thậm chí cả sức khỏe lần lượt hoặc bất ngờ ra đi. 
Tình yêu thì chỉ có một mà những cái tương tự tình yêu thì lại có rất nhiều. Và cuộc sống hôn nhân không chỉ có tình yêu mà nó còn ở nhiều mặt khác như sở thích cá nhân, mối quan hệ hai bên gia đình, công việc, con cái....Làm thế nào để dung hòa cái tôi của cá nhân với người bên cạnh. Làm thế nào để lúc nào cũng có thể chân tình, cởi mở. Làm thế nào để có thể chia sẻ những gì sâu thẳm nhất từ trái tim từ hạnh phúc đến nỗi muộn phiền. Làm thế nào để thấu hiểu và thông cảm với những khó khăn của nhau, để tạo dựng niềm vui và hạnh phúc cho người kia?....Thật là khó.
Khi chợt nhận ra rằng không việc gì xảy ra giữa hai người là không có ý nghĩa; Khi thấy rằng mình làm hết sức chỉ để đổi lại niềm hạnh phúc cho người ấy; Khi cảm nhận rằng mình được yêu và đang yêu người bạn đời của mình, đó là khi mình biết rằng có được một người bạn đời như có một báu vật. Nhưng... đôi khi lại có được báu vật đó đồng nghĩa bạn phải chấp nhận gánh nặng của trách nhiệm, bổn phận, gánh nặng của việc phải tự hoàn thiện mỗi ngày, của việc làm mới bản thân. Thật không dễ.

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Viết cho tôi

Cuộc sống ẩn chứa nhiều điều bất ngờ nhưng không phải điều bất ngờ nào cũng thú vị và ngọt ngào. Đối diện với nó thật sự là rất khó và càng khó hơn để đương đầu và chấp nhận nó. Dẫu biết rằng sự vật, hiện tượng nào cũng có hai mặt đối lập âm - dương, tốt - xấu, vui - buồn, rủi - may,...... nhưng tại sao thời gian này thường chỉ có một mặt xuất hiện làm cho ta nhói đau khi nghĩ về nó.
Dạo này ít nói, ít cười. Những sở thích hàng ngày bị bỏ xó. Nhạc của Lê Cát, Phim bộ TVB, thử món mới đều thấy vô vị. Nhủ thầm rồi tất cả sẽ bình thường thôi mà sao thật khó...
Vẫn biết rằng các mục tiêu của cuộc đời như những bánh xe trong một chiếc xe. Nếu cần thiết phải bỏ một mục tiêu hãy chấp nhận quên nó thật nhẹ nhàng. Chấp nhận quên, chấp nhận thay đổi một mục tiêu của đời mình để cho chiếc xe có thể chuyển động đồng bộ về một hướng dễ dàng. Nói thì dễ....

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Bạn cũ

Cũng hơn 10 năm rồi không gặp nhau. Vô tình lại thấy bạn trên Facebook. Thời gian đúng là thấm thoát, mới đó mà đã hơn 10 năm. Lại nhớ lời của nhân vật Sài Cửu "Ở đời có bao nhiêu cái 10 năm....".
Gặp lại bạn thấy bạn hình như không có gì thay đổi. Vì trên hình mình thấy vẫn nụ cười, ánh mắt ấy. Làn da vẫn trắng mịn màng. 
Gặp lại bạn cũ, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn thời học sinh ùa về...Có thể giờ hoàn cảnh sống của chúng ta có khác, ở cách xa nhưng tình bạn vẫn còn đó những kỷ niệm vẫn còn đó.
Gặp lại bạn cũ, biết bao điều định nói mà không biết bắt đầu từ đâu, biết bao điều định kể mà cũng không biết nên kể chuyện gì trước chuyện gì sau.
Gặp lại bạn cũ lại nhớ cái mùi vị bánh bò của mẹ bạn làm cho ngày xưa mà đến bây giờ cũng không quên được.
Gặp lại bạn cũ, lại nhớ một câu thơ của ai đó. "Thấy bạn chẳng già, vui đấy nhỉ. Đời vui một thoáng nhẹ như mây"...


Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Mắm chưng

Ở nhà mình, mắm là món thường xuyên và khoái khẩu; khi thì mắm sống, lúc mắm kho, lẩu mắm. Nhưng ăn mắm chưng hột vịt thì cái miệng cứ thòm thèm hoài....Cũng có gì đâu cũng là mắm lóc, mắm sặc đem lóc thịt bằm nhuyễn, thịt nạc chút mỡ, tiêu, hành, bột ngọt, hột vịt rồi đem chưng cách thủy mà sao ăn hoài không ngán.  Chưng mắm là kết hợp cho các nguyên liệu mà các vị mặn của mắm, độ mềm của thịt, béo của mỡ, của hành tím không làm át đi cái vị, mùi đặc trưng rất riêng của mắm...   Rau ăn với mắm thì đa dạng, nhiều khi chỉ là chuối chát, khế, dưa leo, xoài xanh hay rau gém, bông súng, cà tím sống. Bữa cơm có chén mắm chưng y như cả ruộng đồng, làng xóm về trên mâm cơm...

Ăn trái giác... có người nhớ quê...

Cây giác thuộc loại cây leo. Cây mọc dưới đất, bò sống trên các thân cây dại. Lá giác tròn xanh nhạt, có răng cưa bầu, giống lá nho nhưng nhỏ hơn. Mỗi khi về quê lại thấy thích thú khi nhìn cây bò trên bụi cây sau vườn nhà. Nếu về trúng mùa mưa sẽ thấy trái giác chín mọng màu tím leo oằn cây tràm, bụi sậy. Nhìn trông giống những giàn nho. 

Trái giác có hình nút áo, hơi dẹt, to khoảng đầu ngón tay, trái dính với nhau thành từng chùm. Khi còn non, trái giác có màu xanh phấn, lúc sắp chín chuyển màu vàng trong và khi chín có màu tím sậm bóng lưỡng. Trái giác để được lâu nhưng khi giây vào tay lúc còn sống thì gây ngứa.

Con gái thì thường thích chua. Nhưng đặc biệt là trái giác làm nao lòng cả hai giới. Trái giác đem về nhà thường nấu canh chua, kho cá. Ăn vào có vị chua rất lạ. Người ta nói vị chua trái giác theo độ trưởng thành của trái, lúc chua chát, khi chua thanh khi lại chua giòn ngọt. Có người thích nấu trái còn xanh, người lại thích lựa trái chín để nồi canh, nồi kho có màu tim tím phơn phớt. Cái nồi canh vừa hấp dẫn mà lại đẹp...




Mùa trái giác, mùa sa mưa cũng gắn liền với kỷ niệm của nhiều người ở quê để rồi khi đi xa thì lại thấy nhớ. Nhớ mùi canh, mùi cá kho quyện lẫn với mùi trái giác khi cái lành lạnh ùa về cùng với cơn mưa dầm. Cái nồi canh chua trái giác nấu ở bếp củi sau chái bếp hình như ngon hơn nấu bếp gas bây giờ. Hay chỉ là cảm giác... vì mùi thơm của trái giác vẫn nồng nàn trong bếp mà...
Ai về thăm lại chốn xưa
Đồng xa nhớ lắm mùa mưa đây rồi
Vẳng nghe trong tiếng à ơi!
Sa mưa trái giác ngọt nồi canh chua....

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Chia tay

Có những lời kêu trời, những giọt nước mắt nghẹn ngào...
Có rất nhiều câu hỏi tại sao việc lại xảy ra như thế....Những câu hỏi không có lời đáp....
Có những lời cầu nguyện ước gì hôm đó như thế này, giá như diễn ra như thế này thì đã không có chuyện xảy ra...
Có những lời trách móc sao đi chung một con đường mà chỉ mới một đoạn đã vội dứt tay lìa bỏ...
Có cảnh nào đau đớn hơn cảnh này khi người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh, cảnh cha ôm con thơ ngồi chết lịm, anh chị tiễn đưa em mình...
Có những cuộc chia tay vĩnh viễn làm đau đớn lòng người ở lại...

Cầu mong cho gia đình tôi sức mạnh để vượt qua nỗi mất mát, dù biết rằng thời gian cũng không chắc có thể hàn gắn được nỗi đau đớn này.

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Tóp mỡ là tóp mỡ ơi

Ông mập đi làm về ghé ngang, mặt hí ha hí hửng "Tiệm phở mới cho con, mẹ lấy phân nửa, chừa con phân nửa...". Tò mò nghía thử, thì ra là tóp mỡ.
Nhớ hồi nhỏ hai anh em hay đợi mẹ thắng mỡ. Hồi đó làm gì biết đến dầu ăn. Món nào cũng xài mỡ. Mỡ heo mua về, rửa sạch, cắt nhỏ bằng lóng tay út, bỏ vào chảo thắng với lửa nhỏ. Nước mỡ thắng xong để nguội mẹ cất vào một cái keo to để dành nấu ăn. Xác mỡ còn lại là tóp mỡ. Giòn, béo và bùi bùi là thứ mà hai anh em rất khoái. Nhón tay bốc, thổi phù phù cho bớt nóng và bỏ vô miệng nhai. Miếng nào còn dính chút xíu thịt thì lại càng thích vì nó giòn rụm. Cái cảm giác của lưỡi chạm vào tóp mỡ nóng, phải xuýt xoa; cái cảm giác thòm thèm khi nghe mùi thắng mỡ, cảm giác khoái tưởng như không bao giờ quên được. Tóp mỡ còn lại thường được mẹ chế biến với món dưa cải. Ông mập thì khoái món kho quẹt. Có bi nhiêu đó thôi mà cơm ăn hoài không biết no. Có bữa chỉ có cơm nguội, ông mập làm một chén tóp mỡ với nước mắm nguyên chất, dằm một trái ớt đỏ, hai anh em chan vào mà ngon ơi là ngon.
Ông bà ta có câu "tốt dầu tốt mỡ đỡ đứa vụng" hàm ý rằng dầu mỡ ngon thì món ăn dẫu không khéo lắm thì món ăn cũng dễ chấp nhận hơn. Giờ lo sợ với nào là béo phì, mỡ trong máu, nào là tim mạch, nào là sức khỏe, tuổi thọ làm cái cảm giác nhấm nháp tóp mỡ không như cái cảm giác hồi xưa nữa. Ăn thì cũng thích đó nhưng sau cái đó là cái lo nghĩ. Mà như vậy còn gì thú nữa. Kho cá bây giờ thỉnh thoảng mới mua miếng ba rọi bỏ vô kho chung chứ thường cũng chỉ thêm chút dầu ăn. Mà dùng dầu ăn nên cũng lâu rồi không thấy món dưa cải của mẹ...
Có những món mà cảm giác nếm nó giờ chỉ còn trong kí ức...

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Cá lóc rang muối

Cá lóc ba con, lòng em ba mối
Sả cọng bỏ nồi thêm muối đem rang...


Cá lóc đồng chọn con cở vừa, đem rửa nước muối, nước vo gạo cho sạch nhớt, để nguyên vảy, không mổ bụng. Muối hột rải dày khoảng một phân, xếp sả cọng, đậy kín nắp nồi để lên bếp lửa than đến khi muối nổ lốp bốp thì bỏ cá vào. Sức nóng của muối, mùi thơm của sả rút hết mùi tanh của cá còn lại.
Mở nắp nồi, con cá còn cả vảy trắng đục vì muối bám, thân mình cá vểnh cong lên. Mùi sả, mùi cá chín bốc lên ngào ngạt. Bốc miếng thịt cá trắng tươi còn vương sợi khói, gói với rau sống, bún, bánh tráng, chấm với nước mắm me hoặc muối ớt. Ăn kiểu này thưởng thức được vị ngọt của thịt cá mà nói như kiểu Lê Bình là "bao nhiêu hương đồng cỏ nội ruộng vườn ngấm tận kẻ răng, tì vị đến tận ruột gan, cả đất trời, sông nước thu gọn trong một bữa ăn dân dã".  

Cá chạch kho nghệ

Khi mùa nước nổi về, cá chạch cũng sinh sôi này nở nhanh và thịt béo ngọt. Đến khoảng cuối tháng chín dân quê thường đến mùa cào chạch, đặt chạch cuối mùa. Cá chạch mình dẹp, đầu nhọn, da trơn như lươn nhưng nhỏ hơn, có con dài đến hơn 3 tấc, đuôi thường có chấm đen.                                             Cá còn sống thì chịu khó rộng cho nhả hết mồi rồi ngâm với phèn chua và muối hoặc tro bếp vuốt cho sạch nhớt. Cá chạch không cần làm ruột vì cá chỉ ăn phù du có trong đất và bọt nước nên bụng cá là thứ ngon và quý nhất. Nếu có than thì chạch nướng chấm mắm me, chấm cơm mẻ ăn hoài không ngán. Còn không thì cá chạch kho nghệ là món ngon dễ làm mà giàu chất dinh dưỡng. Mùi nghệ thơm, cá chạch dai và ngọt làm cho người ăn một lần là nhớ mãi.

Tép rang

Còn đây cái vó bên sông 
Dẫu có theo chồng, em vẫn nhớ quê


Cái kiểu tò mò của người thành thị, về quê nhìn cái gì cũng thấy lạ. Một trong những cái đó là xem kéo vó. Cái vó này đặt ở con sông nhỏ trước nhà. Chỉ là một tấm lưới được căng lên ở 4 góc như hình cái nón lá úp ngược. Các góc nhọn chia làm 4 hướng và được cột lại ở trung tâm để kéo cá. Chỉ cần ở trên bờ, trong cái chòi nhỏ dựng tạm là có thể đánh bắt cả đêm lẫn ngày.  Đêm thì chỗ cái vó trang bị thêm cái đèn bằng cái trứng vịt. Ai có chèo xuồng ngang thì kêu lên một tiếng chờ gia chủ kéo vó lên rùi mới qua được. Có đêm được mấy kí lô tép. 
Tép vừa kéo ở vó lên, còn nguyên đầu đuôi. Rửa sạch và bỏ vào chảo rang với muối hột đâm nhuyễn. Lửa rang phải lớn. Đảo thì phải đều tay. Thịt tép sau khi rang thì giòn, vỏ căng phồng lên, cứng và giòn. Cắn vào hội đủ: ngọt, mặn, giòn.  
Cái kiểu tò mò của người thành thị đã chuyển từ cái ngạc nhiên khi nhìn người nhà quê rang tép. và cũng chính là cái ngưỡng mộ khi thử món này. À, thì ra chồng cũng có món ruột...

Mực trứng

Mực trứng có nhiều vào độ tết. Con bằng ngón tay cái cũng có trứng. Mực mới vớt lên, còn tươi xanh, đưa ngang tầm mắt là thấy bọc trứng. Con mực muốn chế biến cũng không cần cầu kỳ về nguyên liệu. Thân mực mau chín, cắn vào vừa ngọt vừa nghe sừn sựt. Trứng mực khi chín thì ngả màu như cục đường phèn, béo ngậy.







Ở nhà mình, mực đem từ biển về, còn tươi, chỉ cần rửa sạch, kéo bỏ phần xương sống là có thể đem hấp với nước dừa, gừng. Khi chín, mực căng phồng nhìn hấp dẫn. Thêm một chút muối tiêu chanh...Nhiều con còn cả túi mật nhưng khi cắn vẫn thấy được cái ngọt ngào trộn lẫn với cái mằn mặn của biển.

Nếu muốn nướng cũng chỉ ướp nhẹ và để lên lửa than và thưởng thức mùi thơm của mực khi chín. Mà loại mực này nấu cháo, làm gỏi, làm chả cũng rất ngon. Hèn chi mà người ta thường nhắc " Câu mực tuy cực mà vui, Khoái ăn trứng mực lui cui câu hoài..."

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Ớt nào mà ớt chẳng cay...

Nhà có ba người mà mẹ và chồng đã thành một phe trong vụ ăn cay. Mỗi lần kho cá, mẹ lại tìm chút ớt bột, ớt xanh, hoặc dằm vài trái ớt chín, có khi nấu canh cũng bỏ ớt. Mẹ nói ở Huế ăn cay cũng là một khẩu vị. Cả trứng chiên cũng có ớt đỏ, món bún bò huế thì cả tô đỏ ớt bột, ớt hiểm cắt lát thả trên chén nước mắm, ớt xanh dằm với cá biển đem kho... Ăn cay không được nhiều nhưng mỗi lần dọn cơm đều phải chuẩn bị vài trái ớt như là một thói quen vì chồng nói "ăn cay ít bị cảm". Nhưng mà nghĩ lại cũng đúng. Có một số món mà thiếu ớt tự nhiên mất ngon. Ví dụ như mắm ruốc xào thịt, canh chua hay mực nướng, cá nướng mà thiếu ớt thì mất ngon. Hay chỉ đơn giản trái cóc xanh, trái xoài chua mà muối hột thiếu ớt, nước mắm đường thiếu ớt thì chán ngắt. Vị cay của ớt kết hợp làm nổi bật hương vị riêng của từng thứ thực phẩm, làm món ăn trở nên ngon hơn, quyến rũ hơn.

Chắc cũng vì chìu con gái mà sau này các món của mẹ bỏ tiêu nhiều hơn bỏ ớt. Bù lại mẹ và ông xã mình đành phải dùng ớt trái. Mà cả hai đều thích cắn trực tiếp ớt trái. Nhà mình có cả mấy cây ớt chỉ thiên trồng có trái quanh năm. Ớt chỉ cần lựa trái hườm hườm, da vẫn còn xanh bóng (lúc này nghe tả lại là chưa thật cay) rửa sạch và chấm nước mắm mặn rồi đưa lên miệng cắn. Chà chà...lúc này mùi hăng hay mới xộc lên mũi. Cái mùi mà chỉ có người nghiện ớt mới nói rằng tuyệt vời, rằng khoái khẩu, rằng ngon ơi là ngon mà người không nghiền không tài nào hiểu được. Rồi mẹ chỉ con "trái này mới cay", con rể gật gù...
Người ta nói "ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng". Mình có chứ, ghen với cái hít hà nhưng lại tỏ vẻ sảng khoái đó mà chắc mình chẳng bao giờ có dũng khí cắn thử như thế được.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Bánh đa nấu cua

Bánh đa được một người bạn cùng tổ hưu của mẹ cho. Nghe đồn món bánh này là đặc sản của Hải Phòng. Nhìn món này rất giống bánh tráng cắt mỏng, cọng dạng bánh phở nhưng có màu nâu đậm. Bánh được cuộn tròn, giòn và dễ gãy. Trước khi nấu mẹ thường ngâm nước. Sau khi ngâm thì cọng bánh mỏng manh trở nên mềm mại và dai. Mẹ nói rằng món này là món dân dã của Hải Phòng vì các nguyên liệu đều từ vùng quê.


Làm món này mẹ thật cực: Cua đồng mua về rửa sạch, gỡ mai. Phần gạch cua được khều riêng để phi vàng. Phần thân cua được đâm nhuyễn lọc lấy nước thịt cua. Xác cua còn lại lọc qua vải mịn lấy nước. Làm nhiều lần như vậy để lấy hết thịt và bỏ xác cua. Nước thêm chút muối phải nấu trong lửa nhỏ, khuấy đều tay thì thịt cua mới không dính đáy nồi. Khi sôi, thịt cua tự kết lại thành từng tảng có thể vớt ra. Nước còn lại nêm chút mắm tôm, bột nêm sao cho vừa miệng. Hành tím phi vàng, hành lá cắt nhuyễn và rau muống chẻ cọng và rau nhút để vào là có thể thưởng thức.
Món này thỉnh thoảng mới được thưởng thức. Món ăn lạ miệng bợi sợi bánh dẻo dẻo, dai dai. Nhưng thích nhất là húp nước cua đồng, cắn miếng thịt cua mềm và mịn...

Cá linh kho

Nước không chưn sao kêu nước đứng,
Cá không thờ sao gọi cá linh?

Mùa cá linh nên mình mua ăn thỏa cơn nghiền. Hôm thì món cá linh nấu canh chua, cá linh kho nghệ, cá linh chiên giòn, cá linh kho lạt,...

Món này là cá linh kho với khế chua trồng ở nhà.

Cá linh thật lạ, kết hợp với ngọt của điên điển, của mía cũng ngon mà kết hợp với vị chua của khế cũng bắt cơm không kém.
Kho cá linh cần kiên nhẫn một chút xíu, lựa con to vừa, niêm nếm vừa phải, khi sôi thì nhỏ lửa, không đảo. Cá mau chín, thịt mềm. Nước chỉ cần sôi là mùi cá bốc lên ngào ngạt, một lớp khế lót dưới đáy nồi, để khế ngấm vị ngọt của cá.





Cá linh kho me non
Cá linh kho me non có vị chua nhẹ của me non dằm, mùi thơm của tỏi phi. Nêm lạt một chút thì khi ăn sẽ thấy được vị ngọt béo của cá và chút xíu chua chua còn sót lại của khế, của me non... Dằm trái ớt, thấy ướt mồ hôi mà vảy cá thì cứ lấp lánh, lấp lánh ánh bạc...Người ta nói món ngon nhớ lâu...

Canh bông điên điển nấu cá linh non

Ăn bông mà điên điển
Nghiêng mình nhớ đất quê
Chồng xa em khó mà về....


Khi nhìn thấy nước ngập một đoạn đường Hòa Bình, góc phố Ngô Gia Tự vào khoảng cuối tháng bảy âm lịch là biết mùa nước nổi về và cũng là lúc ngoài chợ bán đầy hoa điên điển và cá linh non.
Cá linh non không cần làm vảy, móc mật hay cắt đầu, chỉ cần ngâm với nước muối cho hết nhớt và có thể ăn cả con mà không thấy xương, thịt mềm, ngọt, béo và mau chín.
Hoa điên điển nớ thành từng chùm, màu vàng mà người ta ẩn dụ là màu của nắng phương nam và lẫn với sắc xanh của lá khi hái về rồi vẫn còn hương ngọt ngào. Cái ngọt đó nồng nàn không che dấu được thu hút biết bao nhiêu là ong mật, ong ruồi tìm đến. Cái ngọt đó lại càng day dứt lòng người khi quyện với cá linh non, con chỉ bằng ngón tay út, với vị chua của cơm mẻ với cái mùi của quế, ngò gai,..

Ai đã húp một lần món canh chua bông điên điển sẽ thấy nhớ mãi, sẽ thấy nao lòng mỗi khi mùa nước nổi về, sẽ thấy những món ăn dân dã bình thường sao mà ngon lạ, sẽ thấy hoa điên điển không chỉ làm đẹp cho một góc vùng quê mà lại còn là đặc sản cây nhà lá vườn cho nhiều món ăn lưu giữ trong ký ức của nhiều người trong đó có nhà tôi.
Ăn món này lại nhớ giọng ca của Hương Lan trong "Mùa bông điên điển" (Bông điên điển mãi còn vàng rượm để mình nói yêu anh)....

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Cua bò thẳng

Có chuyện kể như thế này. Có một con cua cái vào một ngày đẹp trời thấy một anh cua đực bò thẳng lại mình và cầu hôn. Cô lấy làm ngưỡng mộ nên đồng ý cái rụp. Trong tiệc cưới cô khoe khoang khắp mọi người là cô lấy được một anh chồng phi thường, "siêu cua".
Sau đêm tân hôn, anh chồng cua bò ngang y như những con cua bình thường khác. Cô bất mãn hỏi thì chồng cô gãi yếm mà rằng: "Lâu lâu phải tỉnh một bữa chứ em, xỉn hoài sao chịu nỗi".
Con cua tám cẳng hai càng
Một mai, hai mắt rõ ràng con cua.

Cây điều


Là lá khi non (đọt điều) ăn với bánh xèo, mắm kho.
Là hoa khi nở có màu đỏ đậm, người Hoa còn gọi là hoa "hồng bồ đào".
Là trái: người miền Tây còn gọi là trái đào lộn hột thay cho người miền Đông gọi là trái điều đỏ, người Bắc gọi là Doi. Ăn vào có vị ngọt, thơm.
Thích nhất là ngắm hoa điều khi nở, màu đỏ chen với màu xanh của lá, của trời. Thích nhì là ngửi mùi hương của hoa theo gió của những buổi chiều tắt nắng, quyện trong gió, cứ lẫn quẩn trong vườn nhà. Hương điều có vị rất đặc trưng như vị của trái, vừa chan chát vừa ngòn ngọt mà đã được thưởng thức thì khó mà quên được. Còn cái thú nữa là thưởng thức trái điều. Ăn điều cũng phải dân dã, dùng miệng cắn chứ không dùng dao (vì mọi người bảo sẽ rất chát).  Ăn điều còn phải khéo léo nếu không để dây vào áo thì sẽ không bao giờ giặt ra. Lúc nhỏ bà mẹ đi chợ về thế nào cũng có nhưng bây giờ trái này không còn thấy bày bán nữa.

Rừng quốc gia U Minh Hạ



Chúng tôi đi đến rừng U Minh Hạ vào một buổi trưa nắng ngày 2.9. Đây là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở Cà Mau. Đường vào cổng rừng cái nắng dường như biến mất vì cảm giác mát mẻ của các hàng cây ăn quả trồng thử nghiệp rợp bóng. Với diện tích hơn 8 ngàn ha, đứng trên đài quan sát chỉ thấy ngút ngàn màu xanh của cây lá, của bạt ngàn tràm đến tận chân trời. Cái nóng, cái mệt hình như biến mất thay vào đó là không khí mát mẻ, gió lồng lộng và một cảm giác thấy mình bé nhỏ vô cùng.


Đài quan sát cho du khách ngắm toàn cảnh rừng U Minh Hạ
Một góc rừng U Minh Hạ chụp từ trên đài quan sát
Cũng có nhiều thông tin về các loại thú rừng đặc chủng của vùng dất phương nam như heo rừng, nai, khỉ, sóc, kỳ đà, trăn, rắn, rùa,…nhưng chúng tôi chỉ thấy một con gấu đang được nhốt giữ, vài quán ẩm thực và bến câu cá. Hay vì chúng tôi không có thời gian để tham quan hết và cũng không có hướng dẫn viên cho khu du lịch này. Một bài học cho các nhà khai thác du lịch Có lẽ cần quy hoạch khu du lịch một cách bài bản hơn để thu hút du khách. 


Tiếng hát mỗi đêm

Từ khi nhà được quy hoạch ra mặt tiền cũng có vài cái sướng nhưng kể ra cũng có vài cái khổ. Ngoài chuyện phải nghe những tiếng nẹt pô, tiếng xe cộ, còn phải chịu tra tấn bởi các tiếng từ các quán nhậu gần nhà. Một trong đó có một thứ đêm nào cũng vọng vào nhà: tiếng hát của những người bán kẹo kéo. Nghe dần tự nhiên thành quen, lúc đầu còn khó chịu, giờ cảm thấy buồn khi thiếu. Thật ra trong nhiều người bán kẹo kéo, đa số là hát nhép, hát nhạc trẻ thì chỉ có một giọng hay, nghe ngọt ngào và giống Duy Khánh. Người bán kẹo kéo này chỉ chọn những bài ruột của cố ca sĩ - nhạc sĩ Duy Khánh, mà hầu như đêm nào cũng nghe bài "Xuân này con không về"...
Mình không phải là fan của dòng nhạc này và cũng không phải là người sành nghe nhạc nhưng mỗi tối khi nghe giọng hát này cất lên thì cảm giác thật khác, thật buồn. Tiếng hát buồn, day dứt giống như tâm sự mà cũng như đau đáu, dang dở... Có lần thắc mắc hỏi ông xã "chắc ông này hát nhép?" thì mới biết rằng cũng có nhiều người thắc mắc vậy và đã thử "thiệt 100%". Mà hình như vậy nên bán kẹo được hơn những người khác...
Giữa cái ồn ào của quán nhậu, của những tiếng "dzô", của những bài hát khác vừa sáo rỗng vừa bi tình mà giai điệu na ná như nhau thì tiếng hát của người bán kẹo kéo này nghe ngọt ngào và trữ tình. Một chiếc xe, một thùng loa, một micro và một nắm kẹo kéo.
Đam mê nghệ thuật và bát cơm. Người đứng trên sân khấu muôn ngàn ánh sáng đủ màu, có nhạc, có hoa, có người hâm mộ. Kẻ đứng bên lề quán, hát theo dĩa thu sẵn, đối mặt với cái lắc đầu, từ chối của nhiều người. Âu cũng là cái số...

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Đau dạ dày

Cả tuần nay bị đau dạ dày hành hạ, mấy món khoái khẩu hàng ngày tự nhiên nhìn là thấy ớn lạnh. Đêm nằm ngủ như có ai đốt lửa trong lòng, ăn cũng đau mà đói lại càng đau. Giờ mới thấy cái máy nghiền xay thức ăn làm việc đêm ngày nuôi sống mình bị trục trặc bởi thói nhịn ăn ép cân, của cái thói quen thích ăn chua của mình, của cái mớ thuốc bác sĩ cho đợt rồi và của cái tinh thần sa sút (bác sĩ nói bệnh dạ dày sẽ trầm trọng hơn và song hành với cái xì chét của khổ chủ mà).
Một tuần kiêng đồ cay, nóng, kiêng luôn cữ sữa tươi , dĩ nhiên không có thức ăn như mắm, thức ăn chua,  thay vào đó là các bữa ăn đúng giờ, các gói mang mùi nhôm của thuốc phosphalugel trước mỗi bữa ăn, thức ăn mềm và chưa kể cái mùi hăng hăng của cữ nghệ trộn với mật ong sáng tối. Một tuần rồi ngủ cũng không ngon giấc với cảm giác đau và khó chịu ở giữa đêm mà thức dậy rồi thì giỗ giấc lại khó ơi là khó.
Qua một tuần bị bệnh thấy mình tự nhiên yếu hẳn đi. Tự nhiên thấy hiểu bản thân mình hơn một chút, thấy rằng hình như giàu có, có quyền lực, có đủ thứ mình ao ước vẫn trở thành con số không khi không có sức khỏe. Tự nhiên thấy cuộc sống mới tươi đẹp làm sao, mới đáng quý làm sao. Tự nhiên thấy yêu quý mỗi thành phần cơ thể của mình, nhất là cái dạ dày. Tự nhủ rằng "mày cứ yên tâm, hãy lành lặn đi rồi tao sẽ yêu quý mày hơn trước".  Tự nhiên thấy yêu quý những người thân mình hơn nữa bởi những câu trách "ăn cho lắm đồ chua vào", bởi cái nhìn lo lắng hay chỉ đơn giản là bởi câu nhắc "tới giờ uống thuốc chưa".
Có bệnh rồi mới thấy mạnh khỏe là hạnh phúc nhất. Người mạnh khỏe tự nhiên nhiều ham muốn, nhiều năng lực, và cũng nhờ vậy mà hun đúc, thôi thúc cái sức khỏe tinh thần từ đó hình như làm việc cũng hăng say hơn, ăn cũng ngon miệng, ngủ cũng ngon và thấy yêu đời, yêu người hơn. Nhưng qua một cơn bệnh mới thấy bệnh cũng có cái hay. Bệnh rồi mới thấy cần chăm chút cho bản thân hơn, mới thấy cần dẹp bớt những cái gọi là xì chét trong cuộc sống để giảm tải cho đầu óc và cho dạ dày của mình. Nhưng nói như bác sĩ Lê Hùng "Đừng cầu mong không bệnh tật vì điều đó không có thật". Đúng vậy, không ai mong muốn bị bệnh, nhưng lỡ có bệnh hãy nhìn theo hướng tích cực hơn, biết đâu sau khi bệnh tật ta lại có thể trải nghiệm cuộc sống theo một cái nhìn khác, ta lại yêu bản thân ta hơn, yêu người chăm sóc ta, và hay nhất là thấy yêu đời hơn.

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Nghĩa trang 10 liệt sĩ Khởi Nghĩa Hòn Khoai




Di tích lịch sử - văn hóa Nghĩa trang 10 Liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi, thuộc địa bàn Khóm 6, Phường 9, TP.Cà Mau. Đây là nơi yên nghỉ của 10 liệt sĩ hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai (năm 1940) do Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Ngọc Hiển lãnh đạo.
Thật tiếc khi đi viếng nghĩa trang vào ngày lễ nên không thể thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.





Chuyện hot

Bạn nói sao G không viết blog như mấy báo, viết theo thị hiếu của mọi người giờ. Tức là sao?! Là viết mấy chuyện hot ơi là hot...
Hihi...Bạn đọc báo hôm giờ có thấy nóng không? Thật tình thấy thật mệt, ngày nào cũng đối diện với nhưng tin tức kiểu như 9x giết người, cướp của, hãm híp (nghĩ mà rầu sao lớp đàn em mình hư dữ vậy),... Chưa hết, tin tức sao thi quay qua quay lại cũng chỉ có lộ hàng với có bầu (nhìn muốn ngợp)... Tin kinh tế thì chỉ có giá vàng lên rồi thiên hạ chen nhau mua (mà mình thì hổng có tiền làm sao dám mơ với mộng)...Tin hơi mừng mừng chút là tăng lương đọc xong phát rầu khi đọc tin kế bên EVN tăng giá điện, rồi giá thực phẩm, giá gas tăng theo giá vàng..
Thì lúc đầu cũng thấy sợ, thấy ghê giờ đọc riết rồi thấy quen thấy tự nhiên mình vô cảm, lạnh lùng với những tin tức đó. Bởi những tin đó nham nhản trên web hàng ngày, mức độ giết người càng ngày càng tăng cũng như mức độ khoe chân dài, khoe cái vòng này vòng nọ của ca sĩ hay người mẫu. Tự nhiên thấy mình sống trong môi trường bất ổn. Nhưng rồi cũng như một thói quen ngày nào cũng phải online một chút để coi công an đã bắt được hung thủ chưa, tình tiết mới có gì gay cấn không, có tin gì hot không...
Hôm nay nghe bạn nói vậy bỗng thấy giật mình lo lắng, hình như mình cũng nghiện tin hot mất rồi. Nói theo kiểu bình dân học vụ thì "đời này kể bỏ", nhưng....lại nhưng... vậy còn cả một thế hệ kế tiếp rồi sẽ như thế nào...
Vậy nên tự nhủ rằng trong  Love's a house chỉ có ăn chơi và yêu một chút....Để tìm một chút yên ổn cho tâm hồn...

Chè nhãn hạt sen

Nhà có ba người, mẹ lại bị đường huyết cao, con gái thì sợ tròn nên hạn chế đồ ngọt nhưng lúc nào trong tủ lạnh cũng có chè đãi khách. Hai món chè mẹ thường nấu nhất là đậu xanh và đậu đen với đường phèn để giải nhiệt. Cuối tuần đi chợ thấy bán hạt sen nhiều nên mua về định hầm với đuôi heo nhưng hàng xóm lại cho một kí nhãn vườn. Tỉ mẩn tách nhãn nấu món chè hạt sen vì lỡ nghe theo ông bà mình chỉ “Thương chồng nấu cháo le le; Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen”.

Hạt sen còn gọi là liên nhục, bùi, tính mát, tác dụng bổ tâm, bổ tỳ vị, an thần kết hợp với nhãn có vị ngọt tạo thành một món chè để lạnh ăn càng ngon. 

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Cây thanh long nở hoa


Cây thanh long không chỉ cho trái ngon mà còn có hoa đẹp. Hoa có màu hoa trắng ngần, mang một vẻ đẹp thanh khiết, sáng trong. Khi đơm hoa màu trắng tỏa hương thơm ngọt ngào, khi kết trái cho quả màu đỏ. Hoa thanh long lúc nở có thể bằng một cái chén ăn cơm, nở về đêm.
Vì thuộc họ xương rồng nên cây có thể cho hoa kết trái ở những môi trường sống khắc nghiệt. Trong môi trường cằn cỗi thiếu nước vẫn đơm hoa kết trái ngọt, đó mới là nét đẹp tiềm ẩn.

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Bạn thân

Chơi chung với nhau cũng đã tròn trèm 10 năm rồi đấy nhỉ. Người ốm vẫn là Ròm và người tròn hình như cũng tâm niệm với câu "mập dễ thương" nên quyết tâm năm này sẽ dễ thương hơn năm trước.
Có lẽ điều dễ thương, tốt đẹp là kết bạn với nhau.
Cám ơn bạn vì đã đồng hành trong suốt những năm qua, đã cùng thức khuya dậy sớm khi theo dự án, đã cùng "phiêu" với hủ tíu nước rửa chén, cùng có mặt vào ngày kỷ niệm 27/9 và vô số những ngày khác...
Cám ơn bạn vì đã chịu khó nghe những cằn nhằn của mình khi mình bực bội mà không có cách nào trút.
Cám ơn bạn vì đã có mặt chia sẻ trong những lúc mình thất vọng, đau buồn nhất dù bạn chẳng nói gì mà mình cũng chỉ cần có vậy.
Cám ơn bạn vì đã ở bên cạnh những ngày trọng đại của mình để giúp một tay và chung vui với mình.
Người ta nói người bạn thân là món quà của thượng đế. Và mình thấy bạn đúng là một món quà.
Mãi là bạn nhé...

Gà nấu nấm


Mình rất khoái ăn nấm rơm vì vị ngọt tự nhiên và không độc. Khi tiền chợ eo hẹp thì nấu rơm nấu với tàu hủ, thịt nạc dăm, tép; khi rủnh rỉnh thì kết hợp với gà.
Gà nấu nấm theo Đông y thì bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực (nói theo kiểu bán thuốc sơn đông mãi võ) nhưng theo mình thì gà và nấm là ăn rồi vị ngọt vẫn còn.

Cá lóc hấp


Món cá lóc là món thường xuyên của nhà, khi thì kho tộ, khi thì hấp bầu, lúc lại nấu canh với 1 bó hành; hôm nào thèm bánh tráng cuốn thì lại làm món này.
Cá lóc hấp là món dễ làm, mau chín và ăn đỡ ngán nhưng phải khéo ở công đoạn pha nước chấm chua ngot hoặc nước mắm me.

Nhân đọc bài viết của Nguyễn Diệp Mai

Đọc bài của nhà văn Nguyễn Diệp Mai thấy tâm đắc, mình lưu lại ở đây để trước hết chỉ đơn giản là đọc thấy hay sau là để nghiền ngẫm để hiểu hơn về quê hương của người mình đã lựa chọn.

Ứng xử của người U Minh qua món ăn
Khi các quần cư xã hội được tổ chức thành nề nếp, từng dãy nhà, làng xóm định cư tạo thành nếp sống nhân văn trong mọi sinh hoạt, người vùng U Minh coi sinh hoạt ăn uống là phương tiện giao lưu, gắn kết cộng đồng. Cái ăn không còn ở dạng cá nhân độc lập chịu sự chi phối của thiên nhiên mà dần dần trở thành sinh hoạt chung, tạo thành ''gu ăn chơi'', ''nhâm nhi'' - một thú vui liên kết. Có thể quan sát quan sát cách ứng xử với cộng đồng ở vùng U Minh qua một số món ăn trong những tình huống cụ thể.
1. Vài nét về dân cư và nguồn thực phẩm ở U Minh
Rừng U Minh bao gồm U Minh Thượng từ tả ngạn sông Trèm Trẹm đến hữu ngạn sông Cái Lớn thuộc tỉnh Kiên Giang và rừng U Minh Hạ từ hữu ngạn sông Trèm Trẹm xuống đến hữu ngạn sông ông Đốc. Cơ bản rừng là một thảm thực vật trong đó chiếm tuyệt đại đa số là cây tràm sống chung với dòng họ dương xỉ. Rừng U Minh có địa hình lõm lòng chảo có nhiều trũng, gò và là vùng đất hoang phế nhiều thế kỉ. Hệ sinh thái của rừng bấy giờ đang ở trong tình trạng nguyên thuỷ với hệ thống kinh rạch chằng chịt. Trên gò đất cao nhiều loài cây bụi rậm chen lẫn với sậy, đế, nga che kín. Dưới vùng trũng có năn, lác, cỏ dại, bồn bồn, sen, bông súng, cỏ co, rau muống, rau ngổ, chuối nước... che kín trên mặt nước. Mùa khô ở U Minh hoàn toàn khô hạn vì đất mùn bên trên xốp không giữ nước. Ngược lại mùa mưa gây úng lụt do địa hình lòng chảo thấp hơn các vùng xung quanh, nước thoát chậm.
Người Việt đến vùng U Minh cư trú từ trước năm 1618, công chúa Ngọc Vạn (con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả cho vua Chân Lập) đã thấy có người Việt hiện diện nơi đây từ lâu rồi. Trong buổi đầu đi lập nghiệp ở U Minh lưu dân phải bám vào rừng để sinh sống. Những phương thức kiếm sống là sự thể hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, giữa con người với nhau thật không dễ dàng hài hoà ở nơi rừng rậm hoang sơ nầy. Khai rừng ở đây với nghĩa là khai hoang từ vùng ven vào sâu ruột rừng chứ không mở đường tiến về phía biển. Người đến đây lúc đầu đều phải dựa hoàn toàn vào nguồn thực phẩm là sản vật của rừng và tự trồng trọt để sống. Các hình thức ăn, cách chế biến phụ thuộc vào nguồn động thực vật sẵn có theo mùa nào thức ấy và dần hình thành những món ăn mang sắc thái riêng của vùng U Minh.
Đến những thập niên đầu thế kỉ XX, xóm làng vẫn còn nằm sát bìa rừng, cuộc sống bấy giờ vẫn dựa vào tự nhiên là chính. Ruộng mới khai phá còn nhiều "đất sộp" cấy lúa bốn năm chưa "trúng" được một mùa. Cái ăn ban đầu của họ vẫn chủ yếu là hái lượm, săn bắt. Để khai thác có hiệu quả kho dự trữ nầy, con người sinh sống ở đây phải từng bước nắm bắt đặc điểm, thói quen của các loại động thực vật hoang dã. Họ theo dõi từng thời vụ, từng mùa sinh đẻ, từng luồng lạch hướng đi của chúng từ đó sáng tạo ra công cụ, kỉ thuật để đánh bắt và chế biến thành thức ăn. Do lối sống cộng cư chịu tác động qua lại lẫn nhau của ba dân tộc chính Việt, Khmer, Hoa cùng sinh sống ở vùng U Minh họ đã bắt chước nhau về cách thức ăn uống, chế biến món ăn trong bữa ăn thường ngày, trong lễ lạt, cúng kiếng.
Khi ven rừng U Minh đã trở thành xóm làng, người dân đã tổ chức những tập đoàn sản xuất hay cá nhân liên đới sản xuất. Lúc nầy nguồn thực phẩm được nâng lên đến mức bán dự trữ (nửa tạo để tích luỹ, nửa săn bắt hái lượm từ tự nhiên). Chính vì vậy, cách thức chế biến món ăn lúc nầy đã tương đối có công thức để thích ứng phục vụ cho từng vụ, việc của ngày mùa. Gia vị, phụ liệu thường là những thứ sẵn có, dễ kiếm: muối, đường, nước mắm đồng, ớt, chanh, sả, gừng, nghệ, cơm mẻ, nấm mèo (mộc nhĩ)... Đến mãi sau nầy, khi việc thông thương tương đối dễ dàng mới xuất hiện thêm bột ngọt, ngũ vị hương, cà ri, củ hành tím và trắng, bún tàu... Tuy vậy, người vùng U Minh vẫn giữ thói quen nêm đường vào trong các món ăn và khẩu vị tựu chung vẫn là: mặn đậm, ngọt gắt, béo nhiều, ưa chất tươi nguyên. Món ăn thường ngày xếp theo thứ bậc gọi là ngon: nướng, chiên, xào, luộc, canh, kho. Nguyên liệu chế biến đa phần vẫn là động thực vật hoang dã và một số ít nuôi trồng được. Món ăn vùng U Minh ít thay đổi, vẫn gắn bó chặt chẽ với môi trường tự nhiên nơi sinh sống.
Hệ thực vật rừng U Minh đã được thống kê có 204 loài, 157 chi, 87 họ; hệ động vật có vú 25 loài, bò sát 33 loài, ếch nhái 11 loài. Khi dùng làm nguyên liệu chế biến món ăn có thể tạm chia như sau:
- Rau củ: bồn bồn, bông súng, củ co, môn nước, đọt choại, đọt ráng, khoai rạng, khoai từ, môn dề, rau đắng và các loại rau tạp tàng.
- Cá (cá nước ngọt): 4 loại cá rô, trê, lóc, sặc chiếm 90%, còn lại các loại cá khác: cá dầy, cá bông, cá lăn, cá thác lác, cá gầm, cá chốt...
- Loài bò sát và lưỡng cư: rắn, rùa, ếch nhái, lươn, ốc.
- Chim (thường dùng làm thức ăn): giang sen, cò quắm, diệt mốc, cúm núm, trít cồ, bồng bồng, ốc cao, chàng nghịch, cu đất...
- Ong: ong mật, ong vò vẽ.
- Thú: nai, heo rừng, chồn, trút (tê tê), kì đà, càng đước...
2. Món ăn trong sinh hoạt cộng đồng
Khi các quần cư xã hội được tổ chức thành nề nếp, từng dãy nhà, làng xóm định cư tạo thành nếp sống nhân văn trong mọi sinh hoạt, người vùng U Minh coi sinh hoạt ăn uống là phương tiện giao lưu, gắn kết cộng đồng. Cái ăn không còn ở dạng cá nhân độc lập chịu sự chi phối của thiên nhiên mà dần dần trở thành sinh hoạt chung, tạo thành "gu ăn chơi", "nhâm nhi" - một thú vui liên kết. Có thể quan sát quan sát cách ứng xử với cộng đồng ở vùng U Minh qua một số món ăn trong tình huống cụ thể:
Lễ cúng đình: Trước đây các lễ cúng đình, cúng miễu hàng năm ngoài phần lễ còn tổ chức ăn uống chung cho cả vùng. Ngày rằm tháng Giêng là ngày thượng ngưu lễ cúng diễn ra ở đình hay miễu bà Chúa Xứ. Món cúng thường là heo tơ quay nguyên con, gà tơ và vịt trắng luộc nguyên con. Con vật được dâng cúng phải mổ thật khéo, phải uốn sửa sao cho nhìn như con vật đang nằm ngay ngắn. Thịt con vật cúng phải chín nhưng da không được nứt. Ngoài các món thịt, lễ vật cúng thường có các loại bánh: bánh cấp, bánh cúng, bánh ít, bánh quy, bánh bò và các loại trái cây, rượu trắng, nước lã. Ngoài lễ vật dâng cúng còn nấu thêm món lẩu thập cẩm, thịt kho, món xào. Cúng lễ xong, người ta đem lễ vật cúng xuống chia thành mâm, bày cùng với các món khác để cả làng cùng hưởng. Các cụ lớn tuổi được xếp ngồi mâm trên hoặc ngang hàng với các quan chức. Khi bắt đầu ăn người lớn tuổi nhất cầm đũa thì bữa tiệc mới bắt đầu, người xung quanh mới dám gắp thức ăn.
Mâm cổ Tết: Ba ngày tết nhà nào dù nghèo hay giàu đều có chuẩn bị mâm cơm tết đàng hoàng. Trang trí và lễ vật bàn thờ tết bao giờ cũng phải có: một cặp dưa hấu để trên hai cái dĩa lớn bên dưới lót hai nải chuối xiêm thật già; phía ngoài bên trái là dĩa bánh tét chưng hai đòn hoặc bốn đòn, bên phải là dĩa bánh ít xếp đều nhưng cũng phải là số chẵn. Mâm cơm rước ông bà chiều 30 Tết gồm: một con gà (hay vịt) luộc nguyên con luộc, thịt kho trứng vịt, dưa cải tùa xại, bánh tét cắt khoanh, khổ qua hầm. Nhà nào khá giả thêm món vịt tiềm, hay thịt kìa hoặc xào... Tết trong nhà nhất thiết phải có món thịt kho trứng vịt. Người ta quan niệm ngày tết trong nhà có nhiều thức ăn ngon thì năm mới sẽ được sung túc phát đạt hơn.
Tiệc tang, giỗ chạp: Tập tục ở vùng U Minh là gia đình có tang thường đãi khách đến viếng trước khi vào bàn ăn tiệc mặn bằng trầu cau, thuốc lá, bánh ngọt thường là bánh men và nước trà. Nhà có tang thường phải "chạy" cho được con heo để làm tiệc mặn thết đãi bà con, bạn bè, người đến phúng viếng giúp lo việc chôn cất trong khi gia đình bối rối. Món ăn trong tiệc tang thường có từ 3 - 4 món: cháo lòng (cháo nấu với huyết, lòng, thịt đầu), thịt kho rệu, xương hầm rau củ hoặc món xào rau cải, thịt khìa.
Người vùng U Minh lấy ngày chết là ngày giỗ hàng năm. Đám giỗ nhà nghèo thường đơn giản nhưng dù túng thiếu vẫn phải kiếm được con gà, con vịt, chí ít cũng phải có cá, lươn để làm mâm cơm cúng người quá cố không quá đạm bạc. Những nhà khá giả thường tổ chức đám giỗ linh đình trong ba ngày: tiên thường, chánh giỗ, hậu thường. Món ăn chính gồm: vịt hoặc gà luộc nguyên con sau khi cúng xong chặt trộn gỏi; món hầm (người Việt thường hầm khổ qua, người Hoa thường hầm với củ cải muối gọi là xá bấu); món xào; món khìa hoặc cà ri; món kho. Bánh tét và bánh ít là hai món bánh chủ lực đãi khách. Bà con họ hàng, người quen biết đều được mời đến dự. Khi người đến dự ra về gia chủ thường gói món nầy hay món nọ để gởi "biếu ông bà" hoặc "mấy đứa nhỏ" ở nhà ăn lấy thảo.
Tiệc cưới hỏi: Tiệc đám hỏi đãi thông lệ đãi bốn món trở lên: vịt tiềm, chả giò, gỏi cuốn, cà ri hoặc la gu. Nếu nhà mổ heo thì sẽ có thêm món lẩu thập cẩm và thịt kho rệu. Tiệc đãi dọn một lần, cách nấu nướng và bày trí đơn giản hơn tiệc đám cưới.
Tiệc đám cưới dù lớn hay nhỏ cũng phải mổ heo. Mâm tiệc cưới thường có 6 món: chả đầu heo, vịt tiềm, món khìa, lẩu thập cẩm, cơm rang thập cẩm hoặc cơm hấp với thịt gà, thịt kho rệu. Món tráng miệng thường là trái cây hoặc các món bánh ngọt tự làm: bánh bông lan, bánh bò, bánh da lợn, bánh kẹp. Nhìn chung tiệc cưới hỏi ở vùng U Minh thường thích linh đình, thoải mái và hơi phô trương.
Tiệc đầy tháng, tiệc thôi nôi: Người vùng U Minh có thói quen tổ chức tiệc đầy tháng, tiệc thôi nôi (đầy năm) cho con cháu. Tiệc không quan trọng việc cúng tế mà chủ yếu là tiệc ăn mừng. Tiệc đầy tháng là tiệc ăn mừng mẹ tròn con vuông. Tiệc thôi nôi là tiệc mừng đứa bé tròn năm khoẻ mạnh. Trong tiệc thôi nôi người ta bày một cái mâm trong đó để nhiều thứ như nắm xôi, cái lược, cái gương, giấy viết, đồ chơi. Sau khi cúng xong người ta sẽ mang cái mâm xuống để cho đứa bé chọn bắt một món và tiêm đoán vận mệnh đứa bé theo món đồ nó bắt được. Ví dụ như nếu đứa bé lấy giấy viết thì họ cho rằng sau nầy nó sẽ theo con đường học hành, chữ nghĩa. Đứa bé bắt nắm xôi thì sau nầy nó sẽ gắn với việc ruộng đồng.
Mâm cơm đãi khách: Ông bà có câu: "Khách đến nhà không gà thì vịt", ở vùng U Minh câu thành ngữ nầy được thể hiện rất cụ thể. Khi khách đến nhà dù trong nhà chỉ có con gà đang ấp trứng họ cũng sẽ làm thịt và luộc luôn ổ trứng để đãi khách. Đó là tính hiếu khách, cởi mở của người vùng U Minh. Mâm cơm đãi khách ở vùng U Minh không có quy tắc ổn định, tuỳ theo mùa có món đặc sản gì thì đãi món ấy. Có lúc chủ nhà mời khách mắm kho khi mùa không có gì ăn. Nếu đúng mùa có thức ăn dồi dào, khách có thể được mời ăn món ăn đặc sản: cháo cá lóc rau đắng đất, canh chua chuột, lươn um rau ngổ, rùa, rắn, thịt thú rừng... Bữa ăn đãi khách thường không làm nhiều món mà chỉ có 2 - 3 món để khách thưởng thức được tập trung. Mâm cơm không quan trọng bày biện đẹp mắt mà chủ yếu là ngon và nhiều, ăn phải dư chứ không được thiếu. Nhiều khi khách đến thăm, gia chủ làm thức ăn nhiều hơn để mời hàng xóm đến chung vui. Nếu khách ở xa về thăm bà con ở xóm thì hết nhà nầy đăng kí mời đãi, rồi đến nhà khác, cứ thế mà xoay vòng khách trở thành người thân của cả xóm. Tính cách người vùng U Minh cởi mở, thích giao lưu để có nhiều bạn bè để lúc "tối lửa tắt đèn", khi hoạn nạn có người giúp đỡ.
Món ăn dịch vụ: Vào những thập niên đầu thế kỉ XX, sinh hoạt cộng đồng của vùng U Minh đi vào nề nếp, ngoài việc ăn uống giao hảo xóm làng, loại hình dịch vụ ăn uống đã xuất hiện như bún nước lèo trên sông, xương xáo, nước đá bào xi-rô, bánh cam, bánh lá dừa, bánh lọt, bánh tằm... Từ khi dịch vụ ăn uống xuất hiện việc sinh hoạt ăn uống của người dân vùng U Minh có phần tiện lợi hơn. Lúc bận nhiều việc người ta có thể mua thức ăn chế biến sẵn, nếu không có tiền thì đổi bằng lúa hoặc gạo, dừa khô, chuối... các thứ nông sản có sẵn trong nhà. Cách trao đổi đó thuận tiện cho người bán lẫn người mua. Từ thập niên 40 về sau, làng xóm ở vùng U Minh trở nên đông đúc, theo các ngã ba, ngã tư đã có tiệm tạp hoá và vài quán cóc bán thức ăn và rượu đế. Tối tối người ta tụ tập lại quán uống nước đá, hút thuốc thơm, ăn vài ba cục kẹo chuối, kẹo gừng hay ăn vài cái bánh quai chèo lót dạ đi ngủ. Sau dần ở quán buổi sáng có nồi cháo gà, cháo cá, bánh canh; buổi chiều có vài món nhậu nhâm nhi như khô lạt, cá, rắn, chim nướng lèo... uống với rượu đế. Sau nữa những nơi tụ hội đó xuất hiện thêm quán cà phê, hủ tíu của những người Hoa kiều từ chợ vô che quán bán cho dân thương buôn trên sông. Tuy vậy người vùng U Minh vẫn thích dùng sản vật địa phương hơn thức ăn chế biến của người Hoa kiều vì vừa rẻ tiền vừa hợp khẩu vị.
3. Tính cộng đồng qua món ăn ở vùng U Minh
Ở vùng U Minh khi lên mâm cơm nếu có món rùa, rắn, gà, vịt thì lá gan, còn nếu cá lóc thì bộ đồ lòng được coi là món ngon nhất. Những phần nầy bao giờ cũng dành cho người lớn tuổi nhất hoặc vai vế họ hàng lớn nhất hay vị khách đến nhà cùng ăn cơm. Món ăn chế biến bằng cá lớn thì khúc đầu và giữa được múc lên mâm ông bà, cha mẹ. Ăn cá thì phải dẽ từ đuôi lên đầu, từ bụng lưng. Trước khi bắt đầu bữa ăn người nhỏ nhất nhà có nhiệm vụ đi mời tất cả người trong nhà lên ăn cơm, khi ngồi vào mâm và bắt đầu ăn thì sẽ không mời nữa. Trong mâm cơm người lớn tuổi nhất nhà chưa cầm đũa mà người nhỏ hơn đã gắp thức ăn thì sẽ bị coi là vô lễ. Vẫn với nếp truyền thống "mâm cơm chung" của người Việt, mâm cơm ở vùng U Minh vẫn chung một nồi cơm, một nồi canh, một mẻ kho... Họ còn có thói quen chung khác là "nhậu chung": chung một chai rượu, một li rượu, người nầy uống xong sẽ rót tiếp vào đến người khác uống. Thường là trong tiệc nhậu để thể hiện tình cảm của mình, hai người sẽ cùng chia đôi mỗi người sẽ uống nửa li ruợu. Sau đó sẽ rót một li cho hai người khác.
Món ăn trong bữa cơm thường chế biến phù hợp với hoàn cảnh khí hậu địa phương. Canh rau thường có nhiều loại mang tính giải nhiệt. Món xào, kho thường tẩm ướp gia vị mang tính nhiệt như tỏi, sả, ớt, tiêu, gừng... ngoài việc tăng phần thơm ngon cho thức ăn còn giúp ngăn ngừa một số bệnh dịch thời tiết. Trong quá trình chế biến món ăn họ đã đúc kết được khá nhiều món ăn mang tính trị bệnh: ban đỏ, mát gan, chống loét bao tử, chống nhức mỏi, bổ thần kinh.
Ngoài giá trị vật chất ăn no để tồn tại, các món ăn trên mâm cơm còn là phương tiện nối kết các thành viên trong gia đình: chồng đi bắt cá, vợ đi kiếm rau; chồng tìm thực phẩm, vợ chế biến phục vụ cả nhà. Bữa ăn thường phải có đầy đủ mặt các thành viên trong nhà, nhất là người cha. Món ăn ở vùng U Minh còn là sợi dây liên kết láng giềng. Một người bắt được cá lớn, rùa, rắn, săn được thú... có được sản vật gì ngon nếu nhiều sẵn sàng đem chia cho hàng xóm, nếu ít chế biến xong kêu con cháu bưng qua nhà bên canh một tô, một dĩa. Nếu không đủ chia họ sẽ mời ông chủ nhà bên cạnh qua cùng nhậu cho vui. Họ cùng nhau đi tìm nguồn thực phẩm: cắm câu, giăng lưới, đặt lợp, đặt trúm, đâm chuột, lội ong, lội trứng chim... về cùng chia nhau. Lễ cúng đình, cúng miếu người góp của, kẻ góp công, cúng kiếng xong sẽ chia mâm đều nhau để cùng hưởng. Những bữa ăn hội hè đó càng gắn kết chặt chẽ tình cảm của người tứ xứ đến đây lập nghiệp.
Món ăn ở vùng U Minh là biểu hiện của sự dung hợp văn hoá của ba dân tộc chính Việt, Khmer, Hoa cùng chung sống nơi đây. Người Việt cũng ăn mắm bò-hóc của người Khmer, thịt kho rệu với trứng vịt, hủ tíu, mì sụa của người Hoa. Người Khmer thích ăn bánh tét, bánh xèo của người Việt. Người Hoa cũng ăn mắm đồng, bún nước lèo trên sông. Những dịp đâm cốm dẹp, cả xóm cùng tham gia không phân biệt là ai. Khi lễ tết, hội hè họ cùng vui chung không phân biệt là lễ hội của dân tộc nào cả. Qua món ăn ý thức phân biệt cái "riêng" của cộng đồng dân tộc ở đây gần như đã bị xoá nhoà.
Trải qua nhiều thế hệ, việc đúc kết kinh nghiệm chế biến mỗi món ăn bằng những loại thực phẩm gì, liều lượng, thời gian nấu đã trở thành kho tàng tri thức dân gian của vùng U Minh. Tri thức đó được thể hiện bằng những món ăn cụ thể hàng ngày trong gia đình tạo thành nét sinh hoạt riêng của một vùng. Người U Minh xưa săn thú, bắt chim bao giờ cũng chừa lại con đang mang trứng hoặc đang nuôi con. Họ lấy mật ong thì chừa lại khúc tàng ong non hoặc nếu cần ăn thì chỉ xẻo một phần đủ dùng. Cặp cá lóc đang nuôi con "ròng ròng" thì chỉ bắt một con. Khi hái lượm rau củ, họ chừa lại phần gốc hoặc củ cái để mùa sau cây tiếp tục phát triển. Người U Minh xưa có thái độ ứng xử với thiên nhiên rất rõ ràng, luồn dành lại một phần để thiên nhiên tiếp tục phát triển. Cách ứng xử đó thể hiện sự hài hoà trong mối quan hệ giữa co người và tự nhiên, dựa vào nhau để cùng tồn tại và phát triển.
Do sự xâm nhập của sinh hoạt thành thị đã làm biến đổi nhiều đến nếp sống, cách sinh hoạt của người dân ở đây. Môi trường tự nhiên của vùng U Minh biến đổi hầu hết trong những thập niên gần đây. Nguồn tài nguyên động thực vật đã cạn kiệt do chiến tranh, do sự khai thác vô tội vạ, sự thiếu ý thức trong việc bảo tồn nguồn lợi của thiên nhiên. Từ năm 1945 trở về sau, các cuộc di cư khai phá rừng ngày càng nhiều, sự tàn phá của bon đạn chiến tranh cùng các trận cháy rừng lớn xảy ra liên tục rừng U Minh đã bị tàn phá đến mức gần như kiệt quệ. Thế hệ trẻ ở vùng U Minh bây giờ thiếu ý thức giữ gìn và vô tâm tiếp tay phá hoại môi trường tự nhiên khiến cho rừng U Minh gần như không còn vết tích của rừng tự nhiên. Một số món ăn được chế biến bằng sản vật của rừng như thịt thú hiện này không còn vì không có nguyên liệu. Kho tàng tri thức về chế biến món ăn đang mai một dần theo sự ra đi của lớp người khai rừng U Minh cuối cùng.

Lẩu mắm

Lẩu mắm có nguồn gốc từ Cần Thơ, ban đầu còn được gọi là lẩu mắm Ninh Kiều. Mình sinh ra & lớn lên ở Cần Thơ nên cũng tập tành nấu món này.
Ấn tượng vị giác của lẩu này là nước lèo được nấu từ mắm. Nhà mình chỉ thích ăn mắm sặc và mắm lóc. Để mùi mắm được át đi, mình dùng sả đập giập và sả bằm phi vàng. Hầu như không nêm gì ngoài chút đường. Nồi mắm sẽ hơi mặn để khi nhúng cá, tép, mực và rau vào sẽ vừa....

Ốc luộc sả cho những ngày mưa

Ăn ốc khi trời mưa có rất nhiều cái thú. Thứ nhất, mùa mưa cũng là lúc ốc chui ra ngoài sau những tháng ẩn mình tránh nắng nên mùa này ốc rẻ và mập. Thứ hai, trời mưa, khí trời lành lạnh, ngồi tỉ tê khều, gỡ ốc với xung quanh là mùi sả, ớt làm người như nóng lên. Nhưng muốn ăn cũng phải lắm công phu: Ốc đem về phải ngâm nước vài ngày. Muốn ăn liền phải ngâm nước gạo, thêm một ít ớt hiểm, ớt cay, ốc há miệng, thay nước liên tục chờ chất dơ ra sạch. Rửa ốc để luộc thì nhớ là không được xóc. Lúc luộc ốc lửa phải lớn, nếu chưa sôi thì không được mở nắp nồi, không được trộn ốc lên như vậy thì con ốc khi gỡ ra sẽ không bị đứt ruột. Nếu lúc luộc mà có vỏ khóm bằm càng làm cho món ốc thênm ngon. Bí quyết còn nằm ở nước chấm. Nếu mà pha không đúng thứ tự thì sẽ không làm cho chén nước chấm hấp dẫn đâu à nhe...

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Lẩu chua

Các tiệm tạp hóa thường bán các gia vị đóng gói để nấu lẩu nhưng mình dị ứng với các loại này. Mình khoái ăn chua nên chủ nhật hay khi rảnh vào bếp thường nấu. Nước dùng làm lẩu chua có thể chọn từ chanh, lá giang, me tươi, trái sấu, cơm mẻ hoặc giấm. Đối với món lẩu chua thập cẩm này thường dùng me tươi. Nếu muốn cay có thể thêm ớt sừng trâu. Nếu nấu lẩu hải sản có thê thêm sả dập giập. Nói chung là có thứ nào tận dụng thứ ấy....

Nướng cúm núm


Cúm núm hay còn được gọi là gà nước. Con trống có lông màu nâu, có lốm đốm bông đen, đặc biệt, cúm núm trống có mòng đỏ thì lông đen ô, chỉ khoảng 300 – 400 gam. Tuy không có bộ lông sặc sỡ nhưng bù lại khi sống thì có tiếng kêu thuộc bậc thầy của các loài chim nước "cúm, cúm cúm, cúm". Người đa cảm thì gọi đó là tiếng kêu vừa điệu đàng thân thiết, vừa xôn xao man mác buồn; người có tâm hồn ăn uống thì nói đó là loài chim trời ồn ào chỉ có thịt dâng cho người là số dách. Thịt cúm núm ngon hơn thịt gà và được chế biến thành nhiều món. Thường vào quán người ta hay làm món cúm núm xào bầu, cúm núm khìa nước dừa, cúm núm chiên, cúm núm quay lu... Nói chung món nào cũng ngon, cũng tuyệt cú mèo...
Ở nhà, (nhờ sự đạo diễn của chồng) thì đã thực hiện 2 món là cháo đậu xanh và nướng. Món cháo đậu xanh thì để vào một ngày đẹp trời nào post cho mấy bạn. Món này là món nướng, vừa dân dã vừa dễ ẹt, vừa thơm và ngon...

Gà nấu chanh

Tính tình dễ hòa đồng nên mình đi đâu cũng có bạn, "tứ hải giai tỷ muội" mà; và nhóm bạn thể dục thẩm mỹ là nhóm thường xuyên kêu réo và tụ tập nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
Nhóm gồm có khoảng 10 người, chơi chung với nhau từ khi còn ở phòng tập Thúy Sơn. Đến nay, dù đã đổi chỗ tập đến mấy lần nhưng nhóm vẫn đi chung, vẫn tình thương mến thương và vẫn tụ họp trung bình 2,3 tuần một lần. Trong nhóm mình là nhỏ nhất, cũng được chìu chuộng nhất. Mấy chị, hầu hết U50, chị nào cũng thành đạt và khéo tay. Món này được một chị trong nhóm chỉ cho mình nấu.
Thật ra thì đơn giản lắm. Chanh lựa trái mọng nước, vỏ mỏng hơi ươm, da căng bóng. Chịu khó ngồi gọt bỏ lớp vỏ xanh, tách nhẹ lấy cơm và nước nấu với nước xương gà; phần thịt gà ướp chút muối ớt, bột nêm chờ xương gà mềm là bỏ vào nấu chung. Rau ăn chỉ là quế và ngò gai.
Dĩ nhiên là gà nấu chanh khác với vị của gà nấu lá giang. Cũng là vị chua nhưng món này có vị chua rất thanh. Húp vào nghe ấm tới tận ruột.
Mấy chị thường nói tập cho khỏe để ăn cho ngon miệng, thoải mái. Cũng đúng, có đi tập thì ăn "mạnh miệng" hơn một tí tì ti.

Đàn gà con


Mười quả trứng tròn
Mẹ gà ấp ủ,
Mười chú gà con
Hôm nay ra đủ
Lòng trắng, lòng đỏ
Thành mỏ, thành chân.
Cái mỏ tí hon,
Cái chân bé xíu
Lòng vàng mát dịu
Mắt đen sáng ngời
Ơi chú gà ơi !
Ta yêu chú lắm.
PHẠM HỔ

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Người cũ

"Người cũ không gặp không tìm
Mà sao bờ giậu bìm bìm cứ leo..."

Sáng qua chat với bạn, bạn than rằng "Tao mới gặp người cũ". "Rùi sao?". "Thấy bùn bùn nhớ chuyện hồi xưa". "Thui mày ơi... Giờ mày hạnh phúc wá rùi nhớ chi cái cũ...". "Bik rùi, nhưng cảm giác khó chịu cứ theo tao hoài...".
Bạn cứ chat, hình như chỉ để tỏ bày tâm sự...
Ừ, thì là người cũ, người xưa. Ai mà không có. Người cũ thường là tình đầu. Mà cái gì đầu bao giờ cũng đẹp, cũng tuyệt vời. "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở..." mà. Nhiều khi chỉ là một ánh mắt, một nụ cười, cái răng khểnh, cái lúm đồng tiền,.. mà giờ có người nhớ lại vẫn còn đau, còn nuối tiếc. Cũng có người giờ người cũ trở thành bạn tâm giao, vì chẳng mấy ai hiểu mình nhiều như vậy (dù số đó, được mấy người). Có khi người cũ trở mặt, làm khó nhau trong cuộc sống hiện tại (cũng không hiếm). Cũng có khi người cũ gặp trên phố mình cố tình cuối mặt (thì đã là người dưng rồi mà)... Người cũ nhạt nhòa cả trong lời hẹn ngày xưa, nhạt nhòa trong cuộc sống bận rộn, thỉnh thoảng mới nghe nhắc tới vô tình trong đám bạn cũ hay vô tình gặp lại như bạn. Và lại thoáng chút xao lòng...
Biết bao lời định nói với bạn, đừng coi người cũ là toàn mỹ như kiểu "con cá vuột là con cá lớn". Bạn hãy nghĩ xưa mình và người ấy đã cùng xây mơ ước trên cát biển và giờ sóng đã cuốn trôi. Dĩ nhiên có buồn, có ngơ ngác, có hụt hẫng, có rơi chút nước mắt. Cái đẹp của tình cũ như ly nước mát giữa trưa hè, kiểu cái đẹp của tuổi dại khờ: vụng về và thơ ngây nhưng là cái đẹp đã được bơm phồng, để rồi vỡ òa. Và cũng đừng so sánh người cũ với người hiện tại. Bạn đã chọn người hiện tại và hãy làm hết sức để học cách yêu thương để chứng tỏ rằng mình đã lựa chọn đúng, để người xưa nhạt nhòa và chỉ còn hình ảnh của người bên cạnh bạn. Gia đình nhỏ của bạn đã rất vui rồi v.v... Có nhiều lời định nói nhưng rồi lại nghĩ chẳng biết nói gì thêm với bạn khi việc đó như là phản xạ tự nhiên...
Hạnh phúc thay cho ai có người cũ là người hiện tại. Tình đầu là tình cuối. Yêu chỉ một và chỉ một mà thôi. Để khỏi phải lấn cấn, bận lòng...
Mà nếu lỡ có lấn cấn bận lòng, xao lòng thì chỉ nên trong giây lát. Giống như nhà thơ Thuận Hữu đã viết "Mà có trách chi những phút xao lòng. Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ. Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ. Đừng có trách chi những phút xao lòng"...
Mình biết bạn hay đọc blog của mình... Nhớ nhen, mình vẫn muốn ở bên bạn nghe bạn kể về người nay của bạn....

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Mùi cari

Hồi nhỏ, mình có đọc một câu chuyện và lấy tâm đắc với nó. Câu chuyện này đã cùng đồng hành với mình cho mãi đến giờ. Nội dung đại khái chuyện kể về một ông lão có thói quen ngủ ngày. Đứa cháu trai nghịch ngợm có bôi lên râu của ông một ít bột cari. Đối với một số người, bột cari rất thơm nhưng một số thì nói "hôi khủng khiếp". Ông lão thức dậy và cảm thấy giường ngủ của mình có mùi hôi. Ông đi ra phòng khách vẫn thấy mùi hôi lẩn quẩn và chịu không nỗi ông bước ra đường. Hít một hơi ông cảm thán than lên rằng "trời ơi sao cả thế giới này hôi thế không biết!"
Câu chuyện kết thúc ở đấy. Hôm nay, chợt nhớ ra vì bạn Đ.N nhận xét một câu làm mình nhớ đến ông lão trong câu chuyện ngày xưa. Bạn ơi, bạn thấy thế giới này không hoàn hảo, bạn thấy mình đây không hoàn hảo, bạn thấy cần phải sửa cái này cái kia cho trọn vẹn, bạn thấy xung quanh đều xấu, đều dối trá, đều lừa lọc...
Bạn Đ.N ơi, bạn có nhìn lại mình trước không???

Bánh bột lộc bọc tôm thịt

Mẹ là con gái Huế nhưng đi học xa và tham gia kháng chiến nên không học được những món ngon của bà ngoại. Giờ khi con cái đã lớn, cháu nội đi học bán trú suốt ngày và chưa có cháu ngoại nên khi rảnh mẹ thường hay rủ bà làm bánh. Bà ngoại mình đã hơn chín mươi tuổi. Bà chính gốc từ Huế nên có rất nhiều món ngon. Một trong những món đó là Bánh bột lọc bọc tôm thịt.
Bánh này khá nổi tiếng bên cạnh các món bánh nậm, bánh giò,...Ai đã đến Huế một lần đều có thể thưởng thức và trầm trồ với hình dáng của chiếc bánh. Khi làm xong bánh có hình chiếc gối nhỏ, khi chín bánh trong hiện rõ được cả nhân bên trong là tôm và thịt. Và đó cũng chính là tên gọi của bánh. Nhưng để làm được như vậy cần nhiều kinh nghiệm. Thứ nhất là vỏ bánh. Bột phải chính gốc là bột sắn không pha mà các ôn cậu và bà mợ gửi vào. Một phần bột được nấu nước sôi nhồi kỹ với số bột còn lại. Thực ra, giai đoạn này rất khó vì không khéo thì bột khô dễ vỡ mà nhão quá thì khi hấp hoặc luộc bánh lại không ngon. Thứ hai là nhân bánh: thịt heo phải chọn có nạc có mỡ, tôm phải lựa vừa phải không nhỏ quá mà cũng không lớn quá sẽ có vỏ dày không ngon. Nhân bánh được nêm cho vừa miệng và xào cho chín. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy. Vớt bánh vào nước sôi để nguội thì màu vàng của bột chuyển sang màu trắng trong. Đợi bánh nguội thêm mỡ hành và nước chấm là có thể dùng. Nước chấm thường là nước mắm pha với chanh, đường và ớt bột (cái này cũng gửi từ Huế vào).
Chủ nhật nào thấy con gái rảnh thì mẹ cũng rủ con làm. Thực ra, bánh này dù làm nhiều lần nhưng "phong độ" không ổn định. Bà ngoại giờ đã cao tuổi, mẹ thì mắt cũng không rõ như trước, con gái thì không có nhiều kinh nghiệm trận mạc... Nhưng hình thức không quan trọng, dù bánh lớn hay bánh nhỏ, có là gối hay không, thỉnh thoảng vẫn có vài con tôm bị lọt ra ngoài nhưng hai vợ chồng vẫn nhiệt tình ăn hết. Đó là cái thú vị sau khi vào bếp...

Bánh tét đầu tay






Lần đầu tiên được hướng dẫn và gói, buộc dây. Dù không đều, không đẹp và tốn rất nhiều thời gian so với mọi người. Thỉnh thoảng còn phải chèo kéo người kế bên là chế hai và mẹ. Nhưng dù sao cũng là đầu tay. Một kỷ niệm đáng nhớ những ngày về chuẩn bị đám giỗ.

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Bí Vàm Răng hầm móng heo

Loại bí này được trồng và bán phổ biến ở Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng. Trái tròn dẹp, có khía, nặng 3 - 5 kg, trái già màu vàng, vỏ hai da, thịt dầy, dẻo, màu vàng tươi. Bí khi hầm xong có vị ngọt, thịt bí dẻo.
Bí hầm với xương, thịt nạc hay tôm đất đều ngon. Khi nấu thêm nấm rơm, hành, ngò hoặc thêm chút đậu phọng là khỏi chê. Nhà thỉnh thoảng mới nấu món này vì hầm xương hay móng heo cần nhiều thời gian và công hớt bọt.

Lươn om trau ngổ

Chủ nhật rảnh rỗi mới làm món này. Món lươn om công phu ở giai đoạn chuẩn bị. Với 3 con lươn vừa ăn được làm sạch nhớt bằng tro và giấm, còn kèm theo lặt rau ngổ non rửa sạch ngâm nước muối loãng. Cần thời gian để rang vàng đậu phọng và vắt nước cốt, đâm nhuyễn tương hột. Món này có thêm chút bột nghệ, ớt, sả bằm, sả bó đập dập để giảm bớt mùi tanh của lươn. Thích nhất là rau ngổ. Bình thường ăn rau ngổ có vị đắng, nhẫn nhưng tuyệt nhiên khi kết hợp với lươn, nước cốt dừa thì hoàn toàn biến mất cái vị đắng, chỉ còn vị béo và ngọt. Ăn món này phải ăn nóng kèm với bánh mì hoặc bún, nhưng mình thích ăn không hơn. hihi...

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Cari gà

Mấy món này rất ngại nấu. Quả thật khi nấu rồi ngửi mùi dừa nhiều quá là hết muốn ăn hoặc ăn không nhiều nên thích nhất là được người khác nấu cho thưởng thức. Tô cari gà này được bác sui nấu cho. Bác sui khéo tay và nấu nướng rất ngon. Lần nào qua nhà mình cũng mon men xuống bếp học lóm vài chiêu. Bác nấu kèm khoai lang bí với khoai mì kè làm cho món cari có nét đặc trưng rất riêng. Món này giàu năng lượng bởi thịt gà, lòng gà, khoai và nước cốt dừa nhưng cũng khích thích gia vị nhờ có vị cay của lá cari, bột cari và ớt, sả.
Ăn kèm là bún hoặc bánh mì hay cơm đều ngon. Trước khi ăn chuẩn bị một chén muối hột đâm nhuyễn với ớt xanh và 1 lát chanh.
Giờ muốn thưởng thức lại hương vị cũ thì không được nữa rồi... Nghĩ mà buồn, mới đó mà giờ đây....

Giá của những tiếng thở dài...

Thời gian đúng là không chờ đợi ai. Quay qua quay lai đã là hết năm. Và chỉ vài tháng trở lại đây mà thấy mình già hơn cả mấy tuổi. Người ta nói đúng "Phụ nữ tôn thờ sự bình yên". Khi có dấu hiệu bất ổn là phụ nữ sẽ lo lắng và thở dài.
Là phản xạ vô thức nhưng rõ ràng khi thở dài nỗi buồn hình như nặng nề và sâu hơn. Nhiều khi hãy nghĩ đơn giản hơn cho cuộc sống nhẹ nhàng mà sao không được. Tự hỏi mình vì ấp ủ quá nhiều ước mơ hay lúc nào cũng cầu toàn cho tất cả sự việc. Lại nghĩ nếu được quyền biết trước được tương lai liệu mình có dám nhìn thẳng vào hay không. Hoặc nếu cuộc sống theo một lập trình đã cài đặt sẵn liệu có vui hơn hay không, hay sẽ bão hòa về cảm xúc nếu không có những bất ngờ.
Với bản thân dù đã chuẩn bị tinh thần để không tuyệt vọng nhưng vẫn không tránh khỏi thất vọng. Dẫu biết rằng tất cả chỉ là tương đối không thể thay đổi sao vẫn tự giày vò mình. Vẫn phải sống, vẫn phải ráng đọc "Quẳng gánh lo đi mà vui sống" để coi "Tất cả chỉ là chuyện nhỏ". Nhưng thỉnh thoảng vẫn nghĩ lan man và lại thở dài.
Biết làm sao được khi mình cũng là phụ nữ.

Kỷ niệm ngày phát hiện có cọng tóc bạc đầu tiên...