Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Ăn trái giác... có người nhớ quê...

Cây giác thuộc loại cây leo. Cây mọc dưới đất, bò sống trên các thân cây dại. Lá giác tròn xanh nhạt, có răng cưa bầu, giống lá nho nhưng nhỏ hơn. Mỗi khi về quê lại thấy thích thú khi nhìn cây bò trên bụi cây sau vườn nhà. Nếu về trúng mùa mưa sẽ thấy trái giác chín mọng màu tím leo oằn cây tràm, bụi sậy. Nhìn trông giống những giàn nho. 

Trái giác có hình nút áo, hơi dẹt, to khoảng đầu ngón tay, trái dính với nhau thành từng chùm. Khi còn non, trái giác có màu xanh phấn, lúc sắp chín chuyển màu vàng trong và khi chín có màu tím sậm bóng lưỡng. Trái giác để được lâu nhưng khi giây vào tay lúc còn sống thì gây ngứa.

Con gái thì thường thích chua. Nhưng đặc biệt là trái giác làm nao lòng cả hai giới. Trái giác đem về nhà thường nấu canh chua, kho cá. Ăn vào có vị chua rất lạ. Người ta nói vị chua trái giác theo độ trưởng thành của trái, lúc chua chát, khi chua thanh khi lại chua giòn ngọt. Có người thích nấu trái còn xanh, người lại thích lựa trái chín để nồi canh, nồi kho có màu tim tím phơn phớt. Cái nồi canh vừa hấp dẫn mà lại đẹp...




Mùa trái giác, mùa sa mưa cũng gắn liền với kỷ niệm của nhiều người ở quê để rồi khi đi xa thì lại thấy nhớ. Nhớ mùi canh, mùi cá kho quyện lẫn với mùi trái giác khi cái lành lạnh ùa về cùng với cơn mưa dầm. Cái nồi canh chua trái giác nấu ở bếp củi sau chái bếp hình như ngon hơn nấu bếp gas bây giờ. Hay chỉ là cảm giác... vì mùi thơm của trái giác vẫn nồng nàn trong bếp mà...
Ai về thăm lại chốn xưa
Đồng xa nhớ lắm mùa mưa đây rồi
Vẳng nghe trong tiếng à ơi!
Sa mưa trái giác ngọt nồi canh chua....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét