Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Cháo cá khoai

Về quê nhân mùa cá khoai. Cá vừa tươi vừa rẻ....rề. Lớp nào nấu mẵn, lớp nào chiên giòn, và lớp này nấu cháo.
Cháo cá khoai vừa ngọt vừa béo, ăn lại không sợ mắc xương. Tuy thịt cá khoai tươi hơi bở nên nấu mà khuấy và nấu lâu thì thịt rã hết nhưng được cái vị ngọt của cá khoai thì không thể nào quên được.



Vuông tôm của mẹ


Mỗi lần gọi điện về hỏi mẹ khỏe không thì y như rằng “khỏe lắm, có gì mà không khỏe, tao làm vuông rảnh rỗi mà”.




Có về ở một ngày mới thấy hình dáng cái vuông. Chỗ vuông không xa nhà,men theo con đường nhỏ cặp mé sông, quẹo qua con đường nhỏ, qua một cây cầu khỉ đúng nghĩa, lội dọc theo cái bờ đã lở khoảng 5 phút sẽ đến vuông của mẹ. Có 2 cái chòi bên vuông. Không tivi, không đài đóm.
Có về ở một ngày mới thấy mẹ ốm nhom, đen thui, người như khô cằn thêm nữa. Phải mà, dưới cái nắng nóng mà mẹ nhổ cỏ năng, xúc ốc gạo làm thức ăn cho lũ tôm ở mé trong, rồi xúc sình lên bồi thêm bên mé. Một ngày mấy bận phải thăm chừng con nước. Nhà ai cũng nói"Thôi mẹ ơi, con cái lớn hết rồi, tự lo được rồi". Mẹ cười "Tao làm cho vui. Có cái nào làm ra tiền mà hổng cực k. Làm lúa, trồng vườn thì cũng vậy thôi mà. Già rồi cũng đâu có ngủ được".

Đâu phải thức khuya, dậy sớm mà hình như cả đêm, mẹ thức dậy cả chục lần, đi rảo một vòng vuông, canh con nước, canh "bọn ác"... Thế mới thấy cái khổ khi xung quanh tôm chết mà vuông mình thì không.


Lúc bàn làm vuông hình như cả nhà cũng không ai ủng hộ, đến giờ cũng vậy, nhưng rồi mẹ tự vạch tự làm. Mày mò đi học hỏi ở những bà con xóm dưới. Không chỉ ở cải tạo ao, chọn con giống, thả nuôi đúng thời vụ, mà còn cả chăm sóc tôm đến khi tôm lớn. Mẹ nói"Bây có thấy ông bà độ không, vuông của tao thả chưa đến 20 ngày mà đã có con bằng ngón tay cái rùi nè".


Chưa được tròn một mùa tôm nhưng thấy rằng mẹ cũng như những người nuôi tôm khác vắt kiệt mình ra trước bao nỗi cực nhọc, buồn vui. Để cảm nhận được cái ngọt, độ dai của tôm sú người ăn có biết đâu người nuôi phải cực khổ như thế nào. Hình như thấy đâu đó có cả vị mặn của mồ hôi...


Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Cháo ong

Nếu thèm cháo lòng, cháo huyết có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều nơi. Nhưng thật khó để có một tô cháo ong non như thế này. Tô cháo này mình nấu khi vừa về quê lên. Ong non đã được chị chồng chạo sẵn. Nấu cháo trắng xong bắc chảo lên bếp cho nóng, cho vào một ít dầu ăn chờ sôi lên, tỏi băm nhuyễn bỏ vào. Khi thấy tỏi vàng trút hết ong non và trứng ong vào, dùng đũa đảo qua đảo lại cho ong chín vàng, thơm lừng; sau đó trút hết vào nồi cháo đang sôi, khuấy đều nồi cháo, nêm thêm bột ngọt, nước mắm, tiêu và hành lá, ngò rồi tắt bếp.  Lúc này chỉ cần một cái tô, một cái muỗng: húp từng muỗng, cảm nhận được hương vị ngọt ngào, béo ngậy kết hợp vị thơm béo, vị cay nồng đậm của thiên nhiên ban tặng. Cái này có khi có tiền mua cũng k được àh nhen.

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Lấy mật ong

Quê chồng mình nổi tiếng với rừng tràm và mật ong. Nhưng có tài thế nào cũng k thể tưởng ra được cảnh tràm nở hoa trắng xóa, quyến rũ ong từ các nơi khác kéo về hút mật hoa thỏa thích là như thế nào, và ăn ong là ra sao.
Theo lời kể của nhà chồng thì có nhiều công đoạn gác kèo để thu hút ong về làm tổ. Và người dân chỉ việc thường xuyên thăm như thăm bẫy để chọn thời điểm ăn ong. Vì sớm quá hay trễ quá thì không có nhiều mật.
"Ăn ong" là từ địa phương nói về việc cạy tổ ong lấy mật. Mình đã mục kích việc này vào tết năm nay. Thường để thu hút ong thì dân ở đây hay gác kèo nhưng ổ ong này là tự nhiên trên nhánh cây sau vườn nhà.
Trước khi cạy tổ ong lấy mật, các anh chồng mình nai nịt cẩn thận (áo mưa và nón bảo hiểm), công cụ dụng cụ bao gồm lá dừa khô, hộp quẹt, nắp thùng đựng nước, thùng đựng mật,... Lá dừa khô còn được nhúng sơ vào nước để khi đốt khói nhiều. Chỉ mình Anh Tư (chuyên nghiệp trong lĩnh vực này)trèo lên cây đốt đuốc và ở dưới mọi người thi nhau quạt đống lửa bên dưới cho càng nhiều khói tỏa lên càng tốt. Lúc cao điểm Anh Tư cột cây đuốc vào đầu cây sào dài đưa lên gần tổ ong. Gặp khói cay mù mịt, bầy ong bay tỏa ra theo chiều gió xuôi và bắt đầu tuyên chiến với những người gây hấn. Chúng bay loạn xạ và có thể chích liên tiếp khi gặp đối tượng. Trong khi đó Anh Tư khéo léo dùng con dao nhọn xăm thông tổ ong cho mật chảy ra, người đứng phía dưới đưa chiếc thùng nhựa hứng lấy, gọi nôm na là thúng ong. Mật ong nguyên chất đặc quánh tuôn ra, cho đến khi nào hết mật. Tổ đầy ong giờ chỉ là ong non nằm trong mỗi lỗ hình lục giác đều đặn, trông thật lạ mắt. Và cái xác tổ ong còn lại gọi là mứt, được cạy ra, đem về nhà, gỡ lấy hết ong non. Ong non này sau khi chạo có thể làm gỏi, nấu cháo, hay chỉ đơn giản chấm với mật cũng ghiền.

Khi về, chiến lợi phẩm mẹ cho dâu út dành để uống với cam giải nhiệt, để ướp với sườn non khi làm món sườn ram và làm đẹp da là một chai mật. Có tuyệt vời không?







Và cuộc chiến nào cũng có đổ máu nhưng nhìn nụ cười phớt lờ của ông anh chồng mình kìa... "Hi hi... nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ...., chỉ bị sưng mắt tí thui..."

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Gà luộc


Đôi uyên ương gà này chắc lai giống gà đen (ô kê). Vì gà đen thì tất tần tật từ da, mắt, thịt, xương đều đen. Thế nhưng đôi gà này chỉ có thịt đùi và chân đen. Tuy mỗi con chỉ khoảng 650gr nhưng mà thịt vừa ngọt vừa dai...
Cái khoản luộc gà thì vẫn chưa khéo. Mỗi lần đi Hà Nội lại tấm tắc khi nhìn những con gà béo, vàng ruộm. Gà luộc xứ Bắc thường da căng bóng lưỡng na ná như các vận động viên thể hình khi sắp thi. Dù có được rỉ tay về cái khoản thắng mỡ gà phết lên trên da, khoản canh chừng lửa củi, khoản nước đá ngâm sau khi luộc, nhưng vẫn không thấy bắt mắt. Nhủ thầm thui kệ, miễn sao khi thưởng thức cơ bắp săn chắc giống Lý Đức, chấm với muối tiêu chanh thêm chút rau răm thì ổn rồi; Chắc da con này ở miền Nam khác với khí hậu miền Bắc chứ không phải non tay (phải tự cổ vũ mình chứ)...

Canh bắp cải cuốn

Món này thực hiện không khó nhưng cần chút thời gian. Bắp cải sau khi tách ngâm muối, bỏ cọng, trụng sơ gói với nhân. Nhân cuốn thường là thịt nạc, giò sống; nếu có ngán quá có thể thêm chút nấm mèo. Khi gói bắp cải xong dùng cọng hành chần nước sôi buộc lại.
Món này cháu của mình rất thích. Nó nói húp nước thấy ngọt quá chừng. Đúng rồi, nước bắp cải thường có vị ngọt tự nhiên. Nhưng khi trồng bắp cải người ta thường xịt nhiều thuốc nên ít khi mình làm món này.

Hoa lục bình

Nước chảy liu riu
Lục bình trôi líu ríu
Anh thấy em nhỏ xíu anh thương…


Hoa Lục bình chính là Hoa bèo Tây. Lục bình trôi theo con nước, cứ từng cum, từng cụm.Phía dưới mặt nước là một bộ rễ dài ngậm chút hương phù sa nuôi cây. Trên mặt nước là những chiếc lá dày, xanh ngắt mở lòng ra đón ánh dương bừng sáng hoặc đẫm chút sương đêm. Lục bình trôi dạt trên sông, mặc dù rất đẹp nhưng cánh hoa lại quá mong manh nên không bao giờ được nâng niu cắm trong lẵng hoa, lọ hoa mà mãi mãi chịu kiếp bèo dạt, mây trôi. Nghe mà buồn cho thân phận.
Nhưng cọng non lục bình chấm mắm, xào thịt, nấu canh chua cá lóc, ăn sống đều là những món ngon, hấp dẫn, hương vị đậm mùi quê hương.

Nhộng ong U Minh trộn gỏi


Rừng U Minh Hạ từ hữu ngạn sông Trèm Trẹm xuống đến hữu ngạn sông ông Đốc. Rừng là một thảm thực vật trong đó chiếm tuyệt đại đa số là cây tràm sống chung với dòng họ dương xỉ. Bởi nơi đây tập trung nhiều vùng ngập mặn, rừng tràm, đước… là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ong. Chính vì thế, các món ăn từ ong được người dân tận dụng nhiều. Đặc biệt, thú ăn nhộng ong trở lên khá phổ biến và thành đặc trưng cho ẩm thực nơi đây. Du khách đến với vùng miệt vườn này không chỉ thích thú bở sự trù phú, đa dạng trong hệ sinh thái mà còn đặc biệt ấn tượng bởi lối ăn, trong đó cách ăn ong cũng thật thú vị.
Nhộng ong nào cũng béo và ngon, đó là đặc trưng riêng nhưng tùy vào loại ong mà nhộng ong có vị khác nhau. Và hai loại nhộng ong ngon là ong mật và ong vò vẽ mà mình đã được nếm thử.
Để lấy được tổ ong không đơn giản và sẽ có một bài riêng khi rãnh rỗi. Tuy nhiên phải kết luận rằng phải tốn khá nhiều công phu và sức lực để đuổi chúng đi khỏi tổ. Sau khi bắt được tổ ong, người ta rũ vào nước sôi cho nhộng rơi xuống, săn lại và rút bỏ hết chất bẩn màu đen trong ruột. Công đoạn cuối cùng là chế biến thành những món ăn khác nhau.
Ong non trộn gỏi là một trong số đó. Nguyên liệu chính là ong non và các nguyên liệu có thêm vào thường là dưa leo, củ cải chua, giá, hẹ,...
Ăn nhộng thích thú nhất là cảm giác khi vừa cho nhộng vào miệng, chỉ cắn nhẹ thôi, trong miệng phát ra những tiếng kêu cái “bụp” rất vui tai, giống như ăn hột é mà ăn nhộng béo chứ không lãng nhách như hột é. Ngay sau cảm giác thích thú đó, vị béo ngậy, bùi bùi do nhộng vỡ ra hối hả ùa đến khiến người ăn ngỡ ngàng, nấn ná mãi không muốn nuốt ngay. Cũng béo giống như ăn phô mai nhưng "phệ" hơn nhiều.
Tuy trông hấp dẫn này không phải ai cũng có thể ăn được mà rất kén người. Một số người không hợp có thể bị dị ứng như nổi mẩn đỏ, ngứa da nhẹ, giống như bị "phong". Cũng may dâu út không nằm trong số đó.

My puppy

Thích cái cảm giác khi tay vuốt nhẹ vào bộ lông mềm mại...
Thích cái mũi hồng hồng "khịch khịch" đánh hơi....
Thích cái tiếng kêu "ư ử" tìm mẹ....
Thích bộ móng nhỏ xíu bám vào tay mình khi bị nhấc bổng lên....
Chó con thật là dễ thương.

Hủ tíu Nam Vang

Tô hủ tíu Nam Vang ngon hay không ở kỹ thuật nấu nước lèo... Xương ống nhiều tủy phải được trần qua nước sôi, sau đó nấu nhừ và hớt bọt liên tục để đem lại vị ngọt đậm đà. Thịt nạc bằm cũng phải lựa loại có chút mỡ, không xay mà phải bằm nhuyễn... Chài chài... Thêm chút hắc xì dầu,một chút tỏi phi vàng, ...húp một chút nước lèo...hấp dẫn vô cùng...

Cháo lòng


Món này được nấu vào những ngày giáp tết khi nhà chồng mình làm heo chuẩn bị cho những ngày năm mới. Phủ tạng heo được như tim, cật, gan, lá lách, dạ dày, ruột non, tràng, cổ hũ, lưỡi, mắt heo được luộc lên chờ nồi nước xương và cháo nhừ thì cắt miếng to bản cho lại vào nồi cháo cho nóng rồi múc ra và thưởng thức.
Món này ngon nhờ nước ngọt khi hầm xương, nước tiết (huyết) khi chọc tiết lợn thêm vào và giòn khi cắn vào miếng lòng. Khi thưởng thức nếu thêm một chút hành, một chút tiêu, một chút gừng, một dĩa rau húng, quế, một dĩa nước mắm mặn dằm ớt là đúng kiểu miền Nam. Vì theo quan sát của mình hầu hết các dịp làm đám, từ đám cưới, đám giỗ và nhất là đám ma trong nhiều gia đình người miền Nam đều có món này. Thế mới biết ăn uống cũng là một cơ hội khám phá nét văn hóa của một vùng miền...

Làm giá đậu xanh



Giá làm từ đậu xanh tại nhà.
Mình rất thích ăn giá nhưng dạo này báo chí, mạng internet, tivi ra rả lặp lại những tin tức giá đỗ ra lò trong ngày khi được dùng thuốc kích thích, thuốc làm trắng. Càng nghe càng thấy sợ. Vì sức khỏe cả gia đình nên đành phải siêng thôi.
Đậu xanh chịu khó lựa hạt mẩy, đều, không sâu mọt, nếu phơi được một nắng thì tốt sau đó ngâm khoảng 10 tiếng với nước bình thường. Thường mình ngâm trước khi đi ngủ đến sáng dậy thì rải đều hạt đậu đã ngâm vào một cái thau đã đục lỗ với lá chuối xé nhỏ ở dưới 1 lớp, trên cùng mình đậy một lớp lá chuối. Mỗi ngày tưới nước khoảng 4,5 lần. Đến 5 ngày sau khi nhặt sạch và rửa là có sản phẩm giá trắng, dài. Tuy cọng giá không mập như ở ngoài bán nhưng ngọt tự nhiên và an toàn.
Giá nhà làm có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 3 đến 4 ngày mà không hư. Sáng chỉ cần siêng một chút là có thể nấu hủ tíu, bánh lọt hoặc miến, vừa rẻ vừa hợp vệ sinh thực phẩm.

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Chuột đồng chiên sả

Món chuột đồng ở Cà Mau làm được rất nhiều món nhưng theo khẩu vị của mình thì chiên có vẻ ngon và đỡ "thấy ớn" nhất. Chồng thường bảo "vì em sống ở thành phố thấy toàn chuột cống nên mới có ác cảm, chứ chuột đồng dễ thương vô cùng".
Tuy không được táp tùng vào việc săn bắt các chú tí nhưng nghe chồng kể thì cũng lờ mờ tưởng tượng ra cảnh các con chó nhà có vai trò quan trọng như thế nào trong việc săn bắt này. Thành tích về là cả hàng chục, có khi đến cả trăm con chuột. Khâu làm sạch lông và giết hại những chú tí dễ thương này thì không thi vị chút nào nên mạn phép không viết ra đây. Sau khi chuột sạch sẽ và ráo nước thì công đoạn ướp sả, bột ngọt, nước mắm, ớt,... sẽ mất khoảng 10 đến 15 phút.


Lửa chiên riu riu hoặc than quạt hồng là có một món hấp dẫn. Một con có thể chặt làm hai, lót thêm 1 ít rau răm là chồng có thể mời vài ông hàng xóm lai rai từ chuyện U Minh đến xứ Tây, xứ Tàu.
Đi công tác ở Đồng Tháp khách hàng cũng có tha thiết mời món chuột nấu canh chua nhưng quả thật là chưa có dũng khí dùng thử. Nhưng món chuột này mình thử rồi và mình không chối từ nếu có ai mời tiếp.

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Lan môi son

Lan môi son thuộc loại cây dây leo, lá tròn màu xanh thẫm. Lúc mua về chăm sóc thì cây chỉ toàn lá với lá nên mình cứ thắc mắc hoài sao cây lại có tên như vậy. Đến khi hoa nở thì mới thấy thật đẹp. Hoa như một thỏi son màu đỏ thật đẹp. Hoa lại lâu tàn. Phụ nữ dùng son môi để trang điểm và giò lan này như tô điểm thêm căn nhà nhỏ của mình, "để cuộc sống thêm phần thi vị" hơn.





Rắn hầm sả


Món này thật ra là món kết hợp: kết hợp giữa làm, nấu và cùng thưởng thức. Người làm có thể thay đổi: khi thì chồng, chị chồng, anh chồng, người nấu thì có mình lăng xăng...và dĩ nhiên cả nhà cùng thưởng thức.
Những khâu bắt, giết hại thì quả thật là không đúng chuyên môn sở trường nhưng đại khái sau khi chúng đã được làm sạch sẽ và nằm trong nồi thì người nội trợ cần đến bàn tay của trợ lý bếp trưởng là chồng: chặt dừa. Sả tươi đập dập, càng nhiều càng thơm, cầu kỳ hơn có thể thêm đậu phọng, đu đủ và củ cải trắng. Và người nội trợ lúc này chỉ việc "nổi lửa lên em" thì chằng mấy chốc sẽ nghe được mùi rắn quyện với mùi sả cả một góc bếp.

Nước cốt hầm sả ngọt lịm và rất bổ. Miếng thịt rắn chỉ nấu vừa chín tới làm sao cho khi cắn vào nghe sựt sựt thì người nội trợ mới được gọi là đảm. Mà thực ra sẽ chẳng thể chờ đến khi rắn hầm rục nỗi. hehe...
Rau chấm thì cũng là rau mồng tơi, mướp, cải,... hái ở vườn nhà. Nước chấm chỉ là nước mắm dằm thêm chút ớt xanh và cũng có thể thêm chút sả bằm. Đàn ông thì có thêm ly rượu, phụ nữ và trẻ em thì ưu tiên trứng rắn.
Trai út và dâu út thường chỉ về nhà một năm có vài lần nên lúc nào cũng được dành cho món này. Các anh chồng có khi còn bắt để dành trước đó cả tuần lễ khi nghe tin em chuẩn bị về. Thấy chén của mình không, thật là thèm quá đi. Ở thành phố có khi nào được ăn tới ngán món này đâu.
Lần nào về quê cũng được ăn món này và từ "thấy ghê quá hà" đã trở thành "thấy thèm quá chừng". Thì mình theo đúng lời ông bà đã dạy mà: nhập gia phải tùy tục...

Heo mọi nướng

Con heo này là heo mọi nhà chồng mình nuôi vài con để dành ăn Tết... Một con làm xong còn chừng 5 - 6 kg. Thịt heo mọi không có mỡ... Khi ướp chút mập ong rừng nướng hay quay lên đều cho lớp vỏ vàng rụm. Ngon hơn thịt heo sữa và chắc hơn thịt heo nhà.

Trứng cá ngát



Cá ngát là một loài cá da trơn, hơi giống con cá trê nhưng to hơn, một con có thể nặng trung bình từ 0,5-5 kg, sống ở nước lợ và mặn. Vào mùa sinh sản, một con cá ngát cái trưởng thành thường mang trong mình hai buồng trứng to bằng 1/4 trọng lượng cơ thể. Mỗi buồng trứng chứa hàng ngàn trứng nhỏ, lớn cỡ hạt đậu xanh.
Người dân đi biển nếu bắt được cá cái mang trứng thì thường không đem bán. Vì thịt cá cái lúc này không ngon. Và chủ yếu họ dành để đem biếu cho những người kính trọng hoặc để cho nhà thưởng thức.
Người ta thường nói dân sành ăn có trứng cá ngát sẽ nấu canh chua cơm mẻ hoặc làm chả trứng. Đối với món chả đơn giản thì chỉ cần đánh tan và thêm gia vị và chiên như chiên hột vịt hoặc thêm bột, bún tàu, nấm chưng lên cũng rất thơm.

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Mắm cá lù đù



Theo lời mẹ nói "xứ này không ai không biết làm mắm, có gì đâu mà chỉ cho bây, ,mà tụi mày ở trên đó sao mà làm được, cứ yên tâm mẹ làm cho tụi mày ăn suốt năm". Ba ngày tết lọ mọ theo mẹ thì cũng biết đại khái để sau này nổ ầm ầm với mấy đứa bạn chỉ biết opla trứng (chứ luộc trứng cũng cần có kỹ thuật à nhen, không là không chín hoặc bóc vỏ không được đâu).
Đại khái là có khoảng 5 giai đoạn sau khi mục kích sở thị quy trình làm mắm: lựa chọn và làm cá cho sạch, muối cá, làm thính và chao mắm, thưởng thức sau khi chế biến mắm. Tùy loại cá mà thời gian tẩm ướp có khác nhau. Thấy cá lóc thường phải hơn 2 tháng mới có thể dùng được. Cá lù đù thì mau hơn khoảng từ 3 tuần là mắm chua.
Món mắm lù đù này là món chồng mình rất khoái. Mắm mẹ gửi lên chỉ thêm đường, tỏi ớt băm và gừng thái sợi kèm với rau sống và dưa leo là có thể không cần món mặn cho những buổi trưa trong tuần. Thịt cá dai mà hình như xương không còn nữa có thể nhai cả con mắm.
Hũ mắm của mẹ thường gửi lên để con trai đỡ nhớ nhà. Trước mình thường hay cằn nhằn ổng: "Ăn hoài thức ăn ủ như vậy có tốt không". Giờ lọ mọ hiểu ra rằng trong đó có cả tình cảm với nơi mà người ta chôn nhau cắt rốn, có cả hương vị quê nhà. Nhưng nhập gia như mình vẫn chưa dám mạnh miệng ăn mắm sống hay thử ăn cơm , mắm với nước cơm chắt như lời kể mà chỉ dám chưng hay nấu lẩu. Biết đâu vài năm nữa mạnh miệng thì sao...

Bánh xèo

Bánh xèo là một món không dễ làm và nguyên liệu thì khá phức tạp. Món này ở thành phố khi nào thèm quá thì xách xe ra chạy ra bánh xèo Tân Định hay bánh xèo Ngọc Ngân mua về. Siêng hơn một chút có thể chạy vô Bảy Tới mua bánh xèo thịt vịt nhưng đúng là không có cái cảm giác này khi cùng đổ với chị chồng ở quê.
Nhân bánh là thịt heo, thịt vịt tùy theo sở thích của mỗi người trong nhà và không quên làm riêng 1 ít bột ngọt cho em dâu út. Chị chồng thay món giá bằng đu đủ (vụ này mới biết à nhen). Trong nhà mỗi người một việc, người trộn bột, người vắt nước cốt, người rửa rau, người làm nước chấm. Tiếng nói, tiếng cười, vui thật là vui.
Kỹ năng chiên bánh thì không thể qua được bà chị chồng. Bánh của mình không có tiếng xèo lớn bằng khi chị đổ mà cũng không giòn cạnh bánh. Cái này bị đùa là "non tay".

Để làm món này nhà mình tận dụng hết những rau phong phú trong vườn. Đám cải bẹ xanh mẹ trồng và các loại rau chay, lá lụa, rau thơm, đọt cải đất, rau má, rau đắng, tần ô, lá cách; các Hia còn bổ sung đọt điều, đọt chiết, cát lồi,... Tất cả hương ngọt, chua, chát, cay, the của rau hoà quyện cùng vị béo nước dừa của bánh, vị ngọt của đu đủ, và thêm nữa giòn giòn của vị bánh chiên, lạo xạo của thịt vịt bằm lẫn xương làm hương vị của món bánh xèo thêm hấp dẫn.
Nước chấm làm bánh xèo chỉ pha nước mắm thêm chút nước dừa nêm sao chua chua, ngọt ngọt. Vụ này thì không non tay, thấy chén nước chấm của mình màu mè bắt mắt không...
Món này cũng là món duy nhất mà nhà mình không cùng ăn một lúc nhưng mà huy động lực lượng của rất nhiều người. Tội nhất là bà chị chồng ngồi đổ hoài đến nghe mùi ngán luôn. Nhưng nhìn sản phẩm của mình được món người chờ đón, bốc bằng tay, hít hà thì chị cười. Hình như chị không để ý đến cái nóng từ bếp lò và không nhớ đến lau mồ hôi trên trán...

Hoa muồng trâu


Sáng thức dậy ngỡ ngàng thấy cả một khoảng sân đầy hoa vàng. Hỏi chồng hoa gì thế thì mới biết là hoa muồng trâu, muồng lác, bật cười khi thấy tên lạ.
Cây muồng trâu nhỏ, thân mập, cành nằm ngang, có khía, lá kép hình lông chim, có kích thước lớn, tròn ở hai đầu, lá chét to dần về phía ngọn; cuống lá to, hơi có cánh. Cụm hoa là 1 chùm dài, mọc ở kẽ lá và ngọn thân, hoa màu vàng.
Mình thích dáng hoa thẳng vươn lên đóng gió. Màu vàng của hoa từ nhạt đến đậm. Mùi hắc. Cây này nằm trong những cây thuốc Đông y của VN. Mình không thích tên muồng muồng trâu, muồng lác. Thôi gọi tên khoa học Cassia alata đi. Nhìn hoa này nhớ truyện "Trại hoa vàng" quá.