Mỗi lần gọi điện về hỏi mẹ khỏe không thì y như rằng “khỏe lắm, có gì mà không khỏe, tao làm vuông rảnh rỗi mà”.
Có về ở một ngày mới thấy hình dáng cái vuông. Chỗ vuông không xa nhà,men theo con đường nhỏ cặp mé sông, quẹo qua con đường nhỏ, qua một cây cầu khỉ đúng nghĩa, lội dọc theo cái bờ đã lở khoảng 5 phút sẽ đến vuông của mẹ. Có 2 cái chòi bên vuông. Không tivi, không đài đóm.
Có về ở một ngày mới thấy mẹ ốm nhom, đen thui, người như khô cằn thêm nữa. Phải mà, dưới cái nắng nóng mà mẹ nhổ cỏ năng, xúc ốc gạo làm thức ăn cho lũ tôm ở mé trong, rồi xúc sình lên bồi thêm bên mé. Một ngày mấy bận phải thăm chừng con nước. Nhà ai cũng nói"Thôi mẹ ơi, con cái lớn hết rồi, tự lo được rồi". Mẹ cười "Tao làm cho vui. Có cái nào làm ra tiền mà hổng cực k. Làm lúa, trồng vườn thì cũng vậy thôi mà. Già rồi cũng đâu có ngủ được".
Đâu phải thức khuya, dậy sớm mà hình như cả đêm, mẹ thức dậy cả chục lần, đi rảo một vòng vuông, canh con nước, canh "bọn ác"... Thế mới thấy cái khổ khi xung quanh tôm chết mà vuông mình thì không.
Lúc bàn làm vuông hình như cả nhà cũng không ai ủng hộ, đến giờ cũng vậy, nhưng rồi mẹ tự vạch tự làm. Mày mò đi học hỏi ở những bà con xóm dưới. Không chỉ ở cải tạo ao, chọn con giống, thả nuôi đúng thời vụ, mà còn cả chăm sóc tôm đến khi tôm lớn. Mẹ nói"Bây có thấy ông bà độ không, vuông của tao thả chưa đến 20 ngày mà đã có con bằng ngón tay cái rùi nè".
Chưa được tròn một mùa tôm nhưng thấy rằng mẹ cũng như những người nuôi tôm khác vắt kiệt mình ra trước bao nỗi cực nhọc, buồn vui. Để cảm nhận được cái ngọt, độ dai của tôm sú người ăn có biết đâu người nuôi phải cực khổ như thế nào. Hình như thấy đâu đó có cả vị mặn của mồ hôi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét