Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Ớt nào mà ớt chẳng cay...

Nhà có ba người mà mẹ và chồng đã thành một phe trong vụ ăn cay. Mỗi lần kho cá, mẹ lại tìm chút ớt bột, ớt xanh, hoặc dằm vài trái ớt chín, có khi nấu canh cũng bỏ ớt. Mẹ nói ở Huế ăn cay cũng là một khẩu vị. Cả trứng chiên cũng có ớt đỏ, món bún bò huế thì cả tô đỏ ớt bột, ớt hiểm cắt lát thả trên chén nước mắm, ớt xanh dằm với cá biển đem kho... Ăn cay không được nhiều nhưng mỗi lần dọn cơm đều phải chuẩn bị vài trái ớt như là một thói quen vì chồng nói "ăn cay ít bị cảm". Nhưng mà nghĩ lại cũng đúng. Có một số món mà thiếu ớt tự nhiên mất ngon. Ví dụ như mắm ruốc xào thịt, canh chua hay mực nướng, cá nướng mà thiếu ớt thì mất ngon. Hay chỉ đơn giản trái cóc xanh, trái xoài chua mà muối hột thiếu ớt, nước mắm đường thiếu ớt thì chán ngắt. Vị cay của ớt kết hợp làm nổi bật hương vị riêng của từng thứ thực phẩm, làm món ăn trở nên ngon hơn, quyến rũ hơn.

Chắc cũng vì chìu con gái mà sau này các món của mẹ bỏ tiêu nhiều hơn bỏ ớt. Bù lại mẹ và ông xã mình đành phải dùng ớt trái. Mà cả hai đều thích cắn trực tiếp ớt trái. Nhà mình có cả mấy cây ớt chỉ thiên trồng có trái quanh năm. Ớt chỉ cần lựa trái hườm hườm, da vẫn còn xanh bóng (lúc này nghe tả lại là chưa thật cay) rửa sạch và chấm nước mắm mặn rồi đưa lên miệng cắn. Chà chà...lúc này mùi hăng hay mới xộc lên mũi. Cái mùi mà chỉ có người nghiện ớt mới nói rằng tuyệt vời, rằng khoái khẩu, rằng ngon ơi là ngon mà người không nghiền không tài nào hiểu được. Rồi mẹ chỉ con "trái này mới cay", con rể gật gù...
Người ta nói "ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng". Mình có chứ, ghen với cái hít hà nhưng lại tỏ vẻ sảng khoái đó mà chắc mình chẳng bao giờ có dũng khí cắn thử như thế được.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Bánh đa nấu cua

Bánh đa được một người bạn cùng tổ hưu của mẹ cho. Nghe đồn món bánh này là đặc sản của Hải Phòng. Nhìn món này rất giống bánh tráng cắt mỏng, cọng dạng bánh phở nhưng có màu nâu đậm. Bánh được cuộn tròn, giòn và dễ gãy. Trước khi nấu mẹ thường ngâm nước. Sau khi ngâm thì cọng bánh mỏng manh trở nên mềm mại và dai. Mẹ nói rằng món này là món dân dã của Hải Phòng vì các nguyên liệu đều từ vùng quê.


Làm món này mẹ thật cực: Cua đồng mua về rửa sạch, gỡ mai. Phần gạch cua được khều riêng để phi vàng. Phần thân cua được đâm nhuyễn lọc lấy nước thịt cua. Xác cua còn lại lọc qua vải mịn lấy nước. Làm nhiều lần như vậy để lấy hết thịt và bỏ xác cua. Nước thêm chút muối phải nấu trong lửa nhỏ, khuấy đều tay thì thịt cua mới không dính đáy nồi. Khi sôi, thịt cua tự kết lại thành từng tảng có thể vớt ra. Nước còn lại nêm chút mắm tôm, bột nêm sao cho vừa miệng. Hành tím phi vàng, hành lá cắt nhuyễn và rau muống chẻ cọng và rau nhút để vào là có thể thưởng thức.
Món này thỉnh thoảng mới được thưởng thức. Món ăn lạ miệng bợi sợi bánh dẻo dẻo, dai dai. Nhưng thích nhất là húp nước cua đồng, cắn miếng thịt cua mềm và mịn...

Cá linh kho

Nước không chưn sao kêu nước đứng,
Cá không thờ sao gọi cá linh?

Mùa cá linh nên mình mua ăn thỏa cơn nghiền. Hôm thì món cá linh nấu canh chua, cá linh kho nghệ, cá linh chiên giòn, cá linh kho lạt,...

Món này là cá linh kho với khế chua trồng ở nhà.

Cá linh thật lạ, kết hợp với ngọt của điên điển, của mía cũng ngon mà kết hợp với vị chua của khế cũng bắt cơm không kém.
Kho cá linh cần kiên nhẫn một chút xíu, lựa con to vừa, niêm nếm vừa phải, khi sôi thì nhỏ lửa, không đảo. Cá mau chín, thịt mềm. Nước chỉ cần sôi là mùi cá bốc lên ngào ngạt, một lớp khế lót dưới đáy nồi, để khế ngấm vị ngọt của cá.





Cá linh kho me non
Cá linh kho me non có vị chua nhẹ của me non dằm, mùi thơm của tỏi phi. Nêm lạt một chút thì khi ăn sẽ thấy được vị ngọt béo của cá và chút xíu chua chua còn sót lại của khế, của me non... Dằm trái ớt, thấy ướt mồ hôi mà vảy cá thì cứ lấp lánh, lấp lánh ánh bạc...Người ta nói món ngon nhớ lâu...

Canh bông điên điển nấu cá linh non

Ăn bông mà điên điển
Nghiêng mình nhớ đất quê
Chồng xa em khó mà về....


Khi nhìn thấy nước ngập một đoạn đường Hòa Bình, góc phố Ngô Gia Tự vào khoảng cuối tháng bảy âm lịch là biết mùa nước nổi về và cũng là lúc ngoài chợ bán đầy hoa điên điển và cá linh non.
Cá linh non không cần làm vảy, móc mật hay cắt đầu, chỉ cần ngâm với nước muối cho hết nhớt và có thể ăn cả con mà không thấy xương, thịt mềm, ngọt, béo và mau chín.
Hoa điên điển nớ thành từng chùm, màu vàng mà người ta ẩn dụ là màu của nắng phương nam và lẫn với sắc xanh của lá khi hái về rồi vẫn còn hương ngọt ngào. Cái ngọt đó nồng nàn không che dấu được thu hút biết bao nhiêu là ong mật, ong ruồi tìm đến. Cái ngọt đó lại càng day dứt lòng người khi quyện với cá linh non, con chỉ bằng ngón tay út, với vị chua của cơm mẻ với cái mùi của quế, ngò gai,..

Ai đã húp một lần món canh chua bông điên điển sẽ thấy nhớ mãi, sẽ thấy nao lòng mỗi khi mùa nước nổi về, sẽ thấy những món ăn dân dã bình thường sao mà ngon lạ, sẽ thấy hoa điên điển không chỉ làm đẹp cho một góc vùng quê mà lại còn là đặc sản cây nhà lá vườn cho nhiều món ăn lưu giữ trong ký ức của nhiều người trong đó có nhà tôi.
Ăn món này lại nhớ giọng ca của Hương Lan trong "Mùa bông điên điển" (Bông điên điển mãi còn vàng rượm để mình nói yêu anh)....

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Cua bò thẳng

Có chuyện kể như thế này. Có một con cua cái vào một ngày đẹp trời thấy một anh cua đực bò thẳng lại mình và cầu hôn. Cô lấy làm ngưỡng mộ nên đồng ý cái rụp. Trong tiệc cưới cô khoe khoang khắp mọi người là cô lấy được một anh chồng phi thường, "siêu cua".
Sau đêm tân hôn, anh chồng cua bò ngang y như những con cua bình thường khác. Cô bất mãn hỏi thì chồng cô gãi yếm mà rằng: "Lâu lâu phải tỉnh một bữa chứ em, xỉn hoài sao chịu nỗi".
Con cua tám cẳng hai càng
Một mai, hai mắt rõ ràng con cua.

Cây điều


Là lá khi non (đọt điều) ăn với bánh xèo, mắm kho.
Là hoa khi nở có màu đỏ đậm, người Hoa còn gọi là hoa "hồng bồ đào".
Là trái: người miền Tây còn gọi là trái đào lộn hột thay cho người miền Đông gọi là trái điều đỏ, người Bắc gọi là Doi. Ăn vào có vị ngọt, thơm.
Thích nhất là ngắm hoa điều khi nở, màu đỏ chen với màu xanh của lá, của trời. Thích nhì là ngửi mùi hương của hoa theo gió của những buổi chiều tắt nắng, quyện trong gió, cứ lẫn quẩn trong vườn nhà. Hương điều có vị rất đặc trưng như vị của trái, vừa chan chát vừa ngòn ngọt mà đã được thưởng thức thì khó mà quên được. Còn cái thú nữa là thưởng thức trái điều. Ăn điều cũng phải dân dã, dùng miệng cắn chứ không dùng dao (vì mọi người bảo sẽ rất chát).  Ăn điều còn phải khéo léo nếu không để dây vào áo thì sẽ không bao giờ giặt ra. Lúc nhỏ bà mẹ đi chợ về thế nào cũng có nhưng bây giờ trái này không còn thấy bày bán nữa.

Rừng quốc gia U Minh Hạ



Chúng tôi đi đến rừng U Minh Hạ vào một buổi trưa nắng ngày 2.9. Đây là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở Cà Mau. Đường vào cổng rừng cái nắng dường như biến mất vì cảm giác mát mẻ của các hàng cây ăn quả trồng thử nghiệp rợp bóng. Với diện tích hơn 8 ngàn ha, đứng trên đài quan sát chỉ thấy ngút ngàn màu xanh của cây lá, của bạt ngàn tràm đến tận chân trời. Cái nóng, cái mệt hình như biến mất thay vào đó là không khí mát mẻ, gió lồng lộng và một cảm giác thấy mình bé nhỏ vô cùng.


Đài quan sát cho du khách ngắm toàn cảnh rừng U Minh Hạ
Một góc rừng U Minh Hạ chụp từ trên đài quan sát
Cũng có nhiều thông tin về các loại thú rừng đặc chủng của vùng dất phương nam như heo rừng, nai, khỉ, sóc, kỳ đà, trăn, rắn, rùa,…nhưng chúng tôi chỉ thấy một con gấu đang được nhốt giữ, vài quán ẩm thực và bến câu cá. Hay vì chúng tôi không có thời gian để tham quan hết và cũng không có hướng dẫn viên cho khu du lịch này. Một bài học cho các nhà khai thác du lịch Có lẽ cần quy hoạch khu du lịch một cách bài bản hơn để thu hút du khách. 


Tiếng hát mỗi đêm

Từ khi nhà được quy hoạch ra mặt tiền cũng có vài cái sướng nhưng kể ra cũng có vài cái khổ. Ngoài chuyện phải nghe những tiếng nẹt pô, tiếng xe cộ, còn phải chịu tra tấn bởi các tiếng từ các quán nhậu gần nhà. Một trong đó có một thứ đêm nào cũng vọng vào nhà: tiếng hát của những người bán kẹo kéo. Nghe dần tự nhiên thành quen, lúc đầu còn khó chịu, giờ cảm thấy buồn khi thiếu. Thật ra trong nhiều người bán kẹo kéo, đa số là hát nhép, hát nhạc trẻ thì chỉ có một giọng hay, nghe ngọt ngào và giống Duy Khánh. Người bán kẹo kéo này chỉ chọn những bài ruột của cố ca sĩ - nhạc sĩ Duy Khánh, mà hầu như đêm nào cũng nghe bài "Xuân này con không về"...
Mình không phải là fan của dòng nhạc này và cũng không phải là người sành nghe nhạc nhưng mỗi tối khi nghe giọng hát này cất lên thì cảm giác thật khác, thật buồn. Tiếng hát buồn, day dứt giống như tâm sự mà cũng như đau đáu, dang dở... Có lần thắc mắc hỏi ông xã "chắc ông này hát nhép?" thì mới biết rằng cũng có nhiều người thắc mắc vậy và đã thử "thiệt 100%". Mà hình như vậy nên bán kẹo được hơn những người khác...
Giữa cái ồn ào của quán nhậu, của những tiếng "dzô", của những bài hát khác vừa sáo rỗng vừa bi tình mà giai điệu na ná như nhau thì tiếng hát của người bán kẹo kéo này nghe ngọt ngào và trữ tình. Một chiếc xe, một thùng loa, một micro và một nắm kẹo kéo.
Đam mê nghệ thuật và bát cơm. Người đứng trên sân khấu muôn ngàn ánh sáng đủ màu, có nhạc, có hoa, có người hâm mộ. Kẻ đứng bên lề quán, hát theo dĩa thu sẵn, đối mặt với cái lắc đầu, từ chối của nhiều người. Âu cũng là cái số...

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Đau dạ dày

Cả tuần nay bị đau dạ dày hành hạ, mấy món khoái khẩu hàng ngày tự nhiên nhìn là thấy ớn lạnh. Đêm nằm ngủ như có ai đốt lửa trong lòng, ăn cũng đau mà đói lại càng đau. Giờ mới thấy cái máy nghiền xay thức ăn làm việc đêm ngày nuôi sống mình bị trục trặc bởi thói nhịn ăn ép cân, của cái thói quen thích ăn chua của mình, của cái mớ thuốc bác sĩ cho đợt rồi và của cái tinh thần sa sút (bác sĩ nói bệnh dạ dày sẽ trầm trọng hơn và song hành với cái xì chét của khổ chủ mà).
Một tuần kiêng đồ cay, nóng, kiêng luôn cữ sữa tươi , dĩ nhiên không có thức ăn như mắm, thức ăn chua,  thay vào đó là các bữa ăn đúng giờ, các gói mang mùi nhôm của thuốc phosphalugel trước mỗi bữa ăn, thức ăn mềm và chưa kể cái mùi hăng hăng của cữ nghệ trộn với mật ong sáng tối. Một tuần rồi ngủ cũng không ngon giấc với cảm giác đau và khó chịu ở giữa đêm mà thức dậy rồi thì giỗ giấc lại khó ơi là khó.
Qua một tuần bị bệnh thấy mình tự nhiên yếu hẳn đi. Tự nhiên thấy hiểu bản thân mình hơn một chút, thấy rằng hình như giàu có, có quyền lực, có đủ thứ mình ao ước vẫn trở thành con số không khi không có sức khỏe. Tự nhiên thấy cuộc sống mới tươi đẹp làm sao, mới đáng quý làm sao. Tự nhiên thấy yêu quý mỗi thành phần cơ thể của mình, nhất là cái dạ dày. Tự nhủ rằng "mày cứ yên tâm, hãy lành lặn đi rồi tao sẽ yêu quý mày hơn trước".  Tự nhiên thấy yêu quý những người thân mình hơn nữa bởi những câu trách "ăn cho lắm đồ chua vào", bởi cái nhìn lo lắng hay chỉ đơn giản là bởi câu nhắc "tới giờ uống thuốc chưa".
Có bệnh rồi mới thấy mạnh khỏe là hạnh phúc nhất. Người mạnh khỏe tự nhiên nhiều ham muốn, nhiều năng lực, và cũng nhờ vậy mà hun đúc, thôi thúc cái sức khỏe tinh thần từ đó hình như làm việc cũng hăng say hơn, ăn cũng ngon miệng, ngủ cũng ngon và thấy yêu đời, yêu người hơn. Nhưng qua một cơn bệnh mới thấy bệnh cũng có cái hay. Bệnh rồi mới thấy cần chăm chút cho bản thân hơn, mới thấy cần dẹp bớt những cái gọi là xì chét trong cuộc sống để giảm tải cho đầu óc và cho dạ dày của mình. Nhưng nói như bác sĩ Lê Hùng "Đừng cầu mong không bệnh tật vì điều đó không có thật". Đúng vậy, không ai mong muốn bị bệnh, nhưng lỡ có bệnh hãy nhìn theo hướng tích cực hơn, biết đâu sau khi bệnh tật ta lại có thể trải nghiệm cuộc sống theo một cái nhìn khác, ta lại yêu bản thân ta hơn, yêu người chăm sóc ta, và hay nhất là thấy yêu đời hơn.

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Nghĩa trang 10 liệt sĩ Khởi Nghĩa Hòn Khoai




Di tích lịch sử - văn hóa Nghĩa trang 10 Liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi, thuộc địa bàn Khóm 6, Phường 9, TP.Cà Mau. Đây là nơi yên nghỉ của 10 liệt sĩ hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai (năm 1940) do Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Ngọc Hiển lãnh đạo.
Thật tiếc khi đi viếng nghĩa trang vào ngày lễ nên không thể thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.





Chuyện hot

Bạn nói sao G không viết blog như mấy báo, viết theo thị hiếu của mọi người giờ. Tức là sao?! Là viết mấy chuyện hot ơi là hot...
Hihi...Bạn đọc báo hôm giờ có thấy nóng không? Thật tình thấy thật mệt, ngày nào cũng đối diện với nhưng tin tức kiểu như 9x giết người, cướp của, hãm híp (nghĩ mà rầu sao lớp đàn em mình hư dữ vậy),... Chưa hết, tin tức sao thi quay qua quay lại cũng chỉ có lộ hàng với có bầu (nhìn muốn ngợp)... Tin kinh tế thì chỉ có giá vàng lên rồi thiên hạ chen nhau mua (mà mình thì hổng có tiền làm sao dám mơ với mộng)...Tin hơi mừng mừng chút là tăng lương đọc xong phát rầu khi đọc tin kế bên EVN tăng giá điện, rồi giá thực phẩm, giá gas tăng theo giá vàng..
Thì lúc đầu cũng thấy sợ, thấy ghê giờ đọc riết rồi thấy quen thấy tự nhiên mình vô cảm, lạnh lùng với những tin tức đó. Bởi những tin đó nham nhản trên web hàng ngày, mức độ giết người càng ngày càng tăng cũng như mức độ khoe chân dài, khoe cái vòng này vòng nọ của ca sĩ hay người mẫu. Tự nhiên thấy mình sống trong môi trường bất ổn. Nhưng rồi cũng như một thói quen ngày nào cũng phải online một chút để coi công an đã bắt được hung thủ chưa, tình tiết mới có gì gay cấn không, có tin gì hot không...
Hôm nay nghe bạn nói vậy bỗng thấy giật mình lo lắng, hình như mình cũng nghiện tin hot mất rồi. Nói theo kiểu bình dân học vụ thì "đời này kể bỏ", nhưng....lại nhưng... vậy còn cả một thế hệ kế tiếp rồi sẽ như thế nào...
Vậy nên tự nhủ rằng trong  Love's a house chỉ có ăn chơi và yêu một chút....Để tìm một chút yên ổn cho tâm hồn...

Chè nhãn hạt sen

Nhà có ba người, mẹ lại bị đường huyết cao, con gái thì sợ tròn nên hạn chế đồ ngọt nhưng lúc nào trong tủ lạnh cũng có chè đãi khách. Hai món chè mẹ thường nấu nhất là đậu xanh và đậu đen với đường phèn để giải nhiệt. Cuối tuần đi chợ thấy bán hạt sen nhiều nên mua về định hầm với đuôi heo nhưng hàng xóm lại cho một kí nhãn vườn. Tỉ mẩn tách nhãn nấu món chè hạt sen vì lỡ nghe theo ông bà mình chỉ “Thương chồng nấu cháo le le; Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen”.

Hạt sen còn gọi là liên nhục, bùi, tính mát, tác dụng bổ tâm, bổ tỳ vị, an thần kết hợp với nhãn có vị ngọt tạo thành một món chè để lạnh ăn càng ngon. 

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Cây thanh long nở hoa


Cây thanh long không chỉ cho trái ngon mà còn có hoa đẹp. Hoa có màu hoa trắng ngần, mang một vẻ đẹp thanh khiết, sáng trong. Khi đơm hoa màu trắng tỏa hương thơm ngọt ngào, khi kết trái cho quả màu đỏ. Hoa thanh long lúc nở có thể bằng một cái chén ăn cơm, nở về đêm.
Vì thuộc họ xương rồng nên cây có thể cho hoa kết trái ở những môi trường sống khắc nghiệt. Trong môi trường cằn cỗi thiếu nước vẫn đơm hoa kết trái ngọt, đó mới là nét đẹp tiềm ẩn.