Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Happy birthday to Hia

Sinh nhật Hia iu biết tặng gì?
Nghĩ nhiều thêm cả mỏi chân đi…
Lang thang khắp phố không tìm thấy…
Thôi đành tặng xã một cái mi…

Tặng chồng tất cả những vì sao,
Để biết tình em luôn dạt dào.
Giữa khuya ra ngồi bên song cửa,
Chỉ hai mình thui, thật ngọt ngào…


Hay tặng cho Hia một chuyện tình,
Tình chàng ý thiếp đẹp lung linh…
Ngàn năm ngàn kiếp không tan vỡ,
Chỉ hai đứa mình thật là tình….

Thật ra thì cũng chưa biết tặng gì?
Khi một người ở một người đi.
Hẹn khi chồng về thì sẽ có
Rất nhiều quà và rất nhiều “mi"..
17.9.2010

Tết và niềm tin

Theo một bài báo ở Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần thì đại khái ở con người khi không biết trước được cái gì sẽ đến trong tương lai thì người ta hay bấu víu vào một cái gọi là niềm tin. Niềm tin có 3 dạng: tin vào tôn giáo (thần thánh), tin vào người khác và tin vào bản thân mình. Nghĩ lại thì thấy cũng đúng...
Ngày 23 tháng chạp
Ở nhà mình thì chỉ thờ ông bà. Cúng đưa ông táo về trời thì mọi năm cũng chỉ có nhang với trái cây và hoa quả. Sáng vợ vào search Google có nguyên một bài tế đưa tiễn ông táo rất là lâm li định trưa về đưa mẹ đọc thì đã trễ chuyến đò. Mẹ nói sợ kẹt xe nên tiễn ông đi hồi 9h sáng. Năm nay mẹ có làm thêm dĩa xôi và nồi chè. Trưa 23 về chồng đùa với vợ là không có cá chép mà lại ăn xôi nặng bụng không biết ông Táo có về đến đích không để tâu hết những lần vợ bị tổ trác. Thôi kệ, mấy năm trước có khi bận rộn những ngày giáp tết mà quên mất tiêu vụ này, có năm chỉ tiễn suông bằng 3 cây nhang đó thôi…
Ngày 26 tết
Khi ông nhà vườn cho thuê mai báo là không có cây mai đẹp chưng tết hai vợ chồng hối hả đi tìm ở chợ hoa. Theo chồng mình tin là nếu có cây mai trong nhà thì may mắn sẽ kéo vào trong năm sắp đến. Mai mua thì không khó nhưng niềm tin đối với người trồng mai và thuê mai thì đã sụt giảm đáng kể. Bài học rút ra ở đây là tiếp tục tin tưởng người khác chỉ cần… cẩn thận hơn một chút.
Ngày 30 tết
Nhà đốt giấy tiền vàng mã cho ông bà. Đốt xong mới thấy nhà kế bên có đốt đôi dép, cả nhà chặc lưỡi, thôi kệ có vàng với đô rồi để ông bà tự mua cho vừa ý. Tối bà chị mới nhớ là hổng có ghi tên tuổi gì hết. Mẹ nói vậy chưa chắc tới tay ông bà. “Tao đi lãnh tiền ở bưu điện có mỗi chữ “thị” mà làm phiền quá chừng, huống chi…”. Biết là đó là một thói tục không nên làm nhưng biết làm sao hơn khi vấn đề này thuộc phạm trù tâm linh, khi quan niệm đời này chỉ là tạm bợ đời sau mới vĩnh cửu, luân hồi...
Tối 30 trên đường về nhà, chồng siết nhẹ tay vợ hỏi “Có lạnh không?”. Tự nhiên thấy lòng ấm áp. Tự nhiên nghĩ rằng chỉ với cái siết tay đó mình có thể đi hết con đường đời. Tin ở mình và tin ở người bạn đời. Lúc này niềm tin được duy trì bằng cả trái tim….
Mùng 1 tết
Ngày này chồng thường nói vợ sướng vì ở nhà chồng không phải quét nhà (mẹ nói quét nhà là xua đuổi Thần Tài ra khỏi nhà và rác là tích tụ lộc cho cả năm). Đầu năm xuất hành đã chuẩn bị một cái áo đầm đỏ nhưng nghĩ đến lời các chị trong phòng tập có nói “Tụi tao coi dùm cho mày rồi, mạng mộc năm nay nhớ mặc màu xanh hoặc màu nâu nhen, kỵ màu đỏ, trắng đó!”. Nghĩ lại ông bà có nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên vợ tìm mãi mới được áo đầm nâu. Không biết cả năm có may mắn như lời mấy chị nói không nhưng đầu năm đã được mọi người khen là mi nhon (thì bận màu tối mà).
Các ngày tết thắp nhang cho ông bà lần nào vợ cũng đứng thật lâu, lầm bầm lẩm bẩm. Chồng đi qua nghe câu được câu mất. Tối hỏi em khấn gì mà thành tâm dữ vậy, sao nghe gì có chữ luận văn. Vợ chỉ cười cười “Chỉ em với ông bà linh thiêng phù hộ biết thôi.”…Nhưng cũng từ thâm tâm mình tin rằng mình sẽ cố gắng hết sức để những lời ước nguyện cho ai đó được thành sự thật…
Cuộc sống hàng ngày đối mặt không hẳn là hoàn hảo, bằng phẳng với ai đó trong mỗi người. Không ai giống ai, nhưng sống với niềm tin giúp ta cảm thấy mọi thứ trở nên tốt hơn. Tin vào 1 tôn giáo, 1 chế độ chính trị hay tin vào 1 ai đó cũng là cách để ta biết rằng cuộc đời này vẫn luôn tồn tại những điều tốt đẹp, những yêu thương, những hạnh phúc cần được trân trọng. Niềm tin tạo nên hy vọng và yêu thương, niềm tin giúp ta bước về phía trước….
Xuân Tân Mão 2011

Ngẫu hứng

Cầm bàn tay ấy trong tay,
Mặc ai dị nghị, mặc ai đứng nhìn.
Tay ấy của người yêu mình.
Ai đâu nắm được, chỉ mình anh thôi.

Cầm bàn tay ấy trăm năm,
Lỡ yêu trời cấm, trời gầm, không buông.
Tình yêu ướp mật thêm hương,
Ai ơi tóc bạc vấn vương cả đời...
28.02.2010

Về quê

Từ lúc lấy chồng, mỗi năm mình đều theo chồng về quê ba lần: hai cái Tết và giỗ ba. Mỗi lần lại có cảm giác khác nhau. Năm nay giỗ ba rơi vào ngày 30.4.
Dọc theo đường về, điện thoại anh chồng và Hia đổ dồn làm anh tài xế như cảm thấy mình có lỗi với tốc độ chạy đúng quy định của mình. Không thúc giục nhưng tài xế vẫn nhấn thêm ga và chỉ uống tạm một cốc cà phê cho tỉnh táo. Hai anh em ngồi cạnh nhau nhìn những cánh rừng chạy hun hút dọc theo đường đi. Mấy ngày gần đây, mình biết Hia mong từng ngày về gặp anh Ba để hỏi về việc cháy rừng U Minh Hạ. Giữa thời tiết hanh khô như thế này, chuyện cháy rừng làm không khí trên xe ngột ngạt hơn dù máy lạnh vẫn phả đều đều.
Xe dừng đã thấy mẹ đứng trước cửa chờ đón. Nhìn dáng mẹ cố kiễng chân lên để ôm lấy vai thằng Út Tí mà vỗ, mắt mình tự nhiên cay cay,...
Lần về này mình được Hia dẫn ra cửa biển Khánh Hội cách nhà 10 km viếng bia các nạn nhân bị thiệt mạng vì cơn bão dữ năm 97. Đó là cơn bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho Nam bộ và các vùng biển phụ cận, đặc biệt là Cà Mau. Mình đã nghe Hia kể rất nhiều về vùng đất này. Đã hơn 12 năm trôi qua từ ngày cơn bão quét, quang cảnh giờ đây đã khác. Theo tay Hia chỉ, những nơi ngày xưa Hia từng đến tiếp xúc lấy số liệu tàn phá của cơn bão giờ là nhà, là trường học, là chợ nên không thể nào tưởng tượng được cảnh "Vợ người thuyền chài hứng mắt ra khơi gọi bão Linda, người mẹ gầy còm kéo xác con lên gọi bão Linda, từng làng hiền hòa phút chốc tang hoang vì bão Linda".. Giờ đây, ghe thuyền tấp nập, từng gánh cá biển, mực, tôm được đưa lên bờ, kẻ bán người mua nhộn nhịp cả một góc chợ.
Tối nằm trong mùng nghe các anh chồng và Hia ca vọng cổ. Tiếng Hia thì nghe quen rùi nhưng cứ về quê thì lại nghe là lạ, chắc vì có chút men nên nghe "phiêu" hơn. Chị dâu chồng tay thoăn thoắt châm thêm mồi nhậu, thỉnh thoảng lại bật cười "chút thế nào cũng có một màn đội nón bảo hiểm khiêu vũ". Út nằm trên võng nói với ra "Hia Đời chưa ca Tình anh bán chiếu là chưa xỉn mà..."
Sáng thức dậy không biết vì cái se se lạnh của cơn gió sáng hay vì tiếng chim ríu rít trên nhánh mận trước cửa phòng. Bước ra cửa hít một hơi không khí trong lành của vườn cây mẹ còn ướt đẫm hơi sương,mùi nhang trầm, mùi khói bếp ... thấy lòng yên bình lạ. Lại ước gì có thêm vài ngày nghỉ nữa.
Chiếc xe 7 chỗ dừng như không còn chỗ nhét, nào là mực, tôm, mắm, bánh tét,... Mẹ nói rau, cây trái vườn nhà không có thuốc sâu, không bỏ phân, mà xe chở chứ tụi bây có làm gì đâu mà ngại. Chị Năm còn hỏi có còn chỗ nào không cho thêm một bao gạo Tài Nguyên. Lên xe rùi mẹ còn tiếc là chưa nhét cho được mấy cây chổi nhà bó…Hai anh em chỉ còn biết nhìn nhau cười.


Có gì phân biệt "quê chồng", "quê vợ" đâu. Về đây có cảm giác như đã gắn bó từ lâu lắm rồi. Người nhà quê tình cảm ấm áp, về đây được thưởng thức tay nghề của các bà chị chồng, lại còn khệ nệ một giỏ quà đặc sản... Thật là thích. Hia ơi, em không coi Cà Mau là quê chồng, là quê của hai đứa mình nhé Hia!...
30.04.2010

Gia vị cuộc đời

Gia vị cuộc đời
Trăm nghìn vị ta nếm trải trong cuộc đời chỉ là tỷ lê hỗn hợp khác nhau của bốn vị cơ bản: mặn, ngọt, đắng và chua (Đông y học cay không được tính là một vị). Người nội trợ khéo không chỉ đơn giản là tạo ra một bữa cơm nóng sốt dinh dưỡng mà còn kết hợp 4 vị trên để mỗi bữa cơm là môt dịp thưởng thức thú ẩm thực của các thành viên trong nhà.
Mỗi vị trong bếp không chỉ là tăng hương vị cho món ăn mà đó còn là dược thảo, kích thích tiêu hoá, chữa bệnh. Ngoài ra, có một số gia vị còn sử dụng để thực hiện những món ăn có tính tương sinh tương khắc. Nhà mình lúc nào cũng trữ tiêu Phú Thọ, tỏi Lý Sơn. Bụi hành, gừng, nghệ thì được chồng mình chăm sóc để khi cần dùng nào cũng có. Mẹ mình hay nêm nếm liều lượng, tỷ lệ, theo loại gia vị theo cảm tính, theo kinh nghiệm nội trợ chứ không có môt công thức chung nào. Giờ tuy chỉ vào bếp vào cuối tuần nhưng dần dà cũng rút ra môt số kinh nghiệm: nêm cái nào trước, nêm cái nào sau, món nào thì cần gia vị nào. Ví dụ như để món ăn ngon hơn và giảm độc tố trong muối thì đối với món thịt: muối phải đươc nêm vào trước, nấu canh để có vị ngọt từ xương thì muối phải cho vào sau, xào thì muối phải nêm vào khi mỡ tan, chờ 1 phút sau mới cho rau vào...
Trong nhà mình, khẩu vị mỗi người lại khác nhau. Người thì ăn cay, người thích ăn chua, người lại thích ăn hơi mặn một chút... Nghệ thuật ẩm thực lúc này thật là phức tạp mà người đầu bếp cần phải có đầu óc nhạy bén, sành điệu và tưởng tượng... Nghệ thuật còn ở chỗ phải gia giảm lượng muối từ từ đối vơi người thích ăn mặn, kêt hợp thực phẩm đối với người thích ăn chua để không làm ảnh hưởng bao tử chỉ với môt mục đích sức khoẻ của mọi người trong nhà.
Có thể nói trong cuộc sống có nhiều vị mặn, đắng, chát khiến ta mệt mỏi nhưng hãy để khi quay về vơi gia đình, dưới bàn tay của người mẹ, người vợ thì những vị ấy hoà quyện chỉ còn cảm nhận vị ngọt ngào: vị ngọt của hạnh phúc đang lan toả trong làn khói bếp...

Một nửa

Tình ta có sợi tơ trời,
Se duyên kết tóc vào đời cùng nhau.
Một nửa là nợ trầu cau,
Buồn vui, hạnh phúc, khổ đau chẳng rời...

Nửa tôi - cho chút dịu dàng,
Nửa chồng - chỗ dựa vững vàng cho tôi.
Mỗi người có một người thôi.
Nửa chồng nửa vợ - một đôi vẹn tròn.

Một nửa là một nửa ơi!
Nửa chồng cùng với nửa tôi trăng tròn.
Trời cao biển rộng đá mòn,
Tình chung mình giữ, sắt son một đời...
18.11.2010

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Tôm tích nướng


Mỗi lần cùng về quê chồng là được thưởng thức món này. Người ta nói tôm tích (hay còn gọi là tôm tít) là món quà của biển vì thịt của nó vừa ngọt mềm, vừa đậm đà hương vị biển, cái vị mà ta không tìm được ở tôm sú và tôm hùm...
Tôm tích đơn giản là nướng, chỉ cần để nguyên con lên bếp than đỏ hồng và trở tay đều là chẳng mấy chốc đã có một món ăn hấp dẫn.
Con tôm chín bốc lên mùi thơm thật tuyệt vời. Có cầm tay mà bốc mới cảm nhận được sự hấp dẫn này. Nếu con nhỏ thì có thể dùng móng tay gỡ, nhưng nhà mình thường dùng 1 cây kéo thật bén cắt dọc 2 bên thân mình của con tôm. Gỡ lớp vảy tôm là hiện ra lớp thịt màu hồng nhạt, cắn vào thật là ngọt và mềm nhưng lại dai dai. Mình chỉ cần thêm dĩa muối tiêu chanh nhưng gia đình chồng của mình thì cầu kỳ hơn với cả dĩa rau từ vườn nhà, chuối chát và dưa leo.
Thịt tôm tích nếu k được bảo quản tốt thì sẽ rất mau bở và mất đi vị ngon. Nếu nhiều quá ăn k hết mẹ thường luộc lên và gỡ lấy thịt nấu cháo. Món này cũng hấp dẫn vô cùng...