Ở nhà mình, mắm là món thường xuyên và khoái khẩu; khi thì mắm sống, lúc mắm kho, lẩu mắm. Nhưng ăn mắm chưng hột vịt thì cái miệng cứ thòm thèm hoài....Cũng có gì đâu cũng là mắm lóc, mắm sặc đem lóc thịt bằm nhuyễn, thịt nạc chút mỡ, tiêu, hành, bột ngọt, hột vịt rồi đem chưng cách thủy mà sao ăn hoài không ngán. Chưng mắm là kết hợp cho các nguyên liệu mà các vị mặn của mắm, độ mềm của thịt, béo của mỡ, của hành tím không làm át đi cái vị, mùi đặc trưng rất riêng của mắm... Rau ăn với mắm thì đa dạng, nhiều khi chỉ là chuối chát, khế, dưa leo, xoài xanh hay rau gém, bông súng, cà tím sống. Bữa cơm có chén mắm chưng y như cả ruộng đồng, làng xóm về trên mâm cơm...
Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011
Ăn trái giác... có người nhớ quê...
Cây giác thuộc loại cây leo. Cây mọc dưới đất, bò sống trên các thân cây dại. Lá giác tròn xanh nhạt, có răng cưa bầu, giống lá nho nhưng nhỏ hơn. Mỗi khi về quê lại thấy thích thú khi nhìn cây bò trên bụi cây sau vườn nhà. Nếu về trúng mùa mưa sẽ thấy trái giác chín mọng màu tím leo oằn cây tràm, bụi sậy. Nhìn trông giống những giàn nho.
Trái giác có hình nút áo, hơi dẹt, to khoảng đầu ngón tay, trái dính với nhau thành từng chùm. Khi còn non, trái giác có màu xanh phấn, lúc sắp chín chuyển màu vàng trong và khi chín có màu tím sậm bóng lưỡng. Trái giác để được lâu nhưng khi giây vào tay lúc còn sống thì gây ngứa.
Con gái thì thường thích chua. Nhưng đặc biệt là trái giác làm nao lòng cả hai giới. Trái giác đem về nhà thường nấu canh chua, kho cá. Ăn vào có vị chua rất lạ. Người ta nói vị chua trái giác theo độ trưởng thành của trái, lúc chua chát, khi chua thanh khi lại chua giòn ngọt. Có người thích nấu trái còn xanh, người lại thích lựa trái chín để nồi canh, nồi kho có màu tim tím phơn phớt. Cái nồi canh vừa hấp dẫn mà lại đẹp...
Mùa trái giác, mùa sa mưa cũng gắn liền với kỷ niệm của nhiều người ở quê để rồi khi đi xa thì lại thấy nhớ. Nhớ mùi canh, mùi cá kho quyện lẫn với mùi trái giác khi cái lành lạnh ùa về cùng với cơn mưa dầm. Cái nồi canh chua trái giác nấu ở bếp củi sau chái bếp hình như ngon hơn nấu bếp gas bây giờ. Hay chỉ là cảm giác... vì mùi thơm của trái giác vẫn nồng nàn trong bếp mà...
Ai về thăm lại chốn xưa
Đồng xa nhớ lắm mùa mưa đây rồi
Vẳng nghe trong tiếng à ơi!
Sa mưa trái giác ngọt nồi canh chua....
Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011
Chia tay
Có những lời kêu trời, những giọt nước mắt nghẹn ngào...
Có rất nhiều câu hỏi tại sao việc lại xảy ra như thế....Những câu hỏi không có lời đáp....
Có những lời cầu nguyện ước gì hôm đó như thế này, giá như diễn ra như thế này thì đã không có chuyện xảy ra...
Có những lời trách móc sao đi chung một con đường mà chỉ mới một đoạn đã vội dứt tay lìa bỏ...
Có cảnh nào đau đớn hơn cảnh này khi người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh, cảnh cha ôm con thơ ngồi chết lịm, anh chị tiễn đưa em mình...
Có những cuộc chia tay vĩnh viễn làm đau đớn lòng người ở lại...
Cầu mong cho gia đình tôi sức mạnh để vượt qua nỗi mất mát, dù biết rằng thời gian cũng không chắc có thể hàn gắn được nỗi đau đớn này.
Có rất nhiều câu hỏi tại sao việc lại xảy ra như thế....Những câu hỏi không có lời đáp....
Có những lời cầu nguyện ước gì hôm đó như thế này, giá như diễn ra như thế này thì đã không có chuyện xảy ra...
Có những lời trách móc sao đi chung một con đường mà chỉ mới một đoạn đã vội dứt tay lìa bỏ...
Có cảnh nào đau đớn hơn cảnh này khi người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh, cảnh cha ôm con thơ ngồi chết lịm, anh chị tiễn đưa em mình...
Có những cuộc chia tay vĩnh viễn làm đau đớn lòng người ở lại...
Cầu mong cho gia đình tôi sức mạnh để vượt qua nỗi mất mát, dù biết rằng thời gian cũng không chắc có thể hàn gắn được nỗi đau đớn này.
Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011
Tóp mỡ là tóp mỡ ơi
Ông mập đi làm về ghé ngang, mặt hí ha hí hửng "Tiệm phở mới cho con, mẹ lấy phân nửa, chừa con phân nửa...". Tò mò nghía thử, thì ra là tóp mỡ.
Nhớ hồi nhỏ hai anh em hay đợi mẹ thắng mỡ. Hồi đó làm gì biết đến dầu ăn. Món nào cũng xài mỡ. Mỡ heo mua về, rửa sạch, cắt nhỏ bằng lóng tay út, bỏ vào chảo thắng với lửa nhỏ. Nước mỡ thắng xong để nguội mẹ cất vào một cái keo to để dành nấu ăn. Xác mỡ còn lại là tóp mỡ. Giòn, béo và bùi bùi là thứ mà hai anh em rất khoái. Nhón tay bốc, thổi phù phù cho bớt nóng và bỏ vô miệng nhai. Miếng nào còn dính chút xíu thịt thì lại càng thích vì nó giòn rụm. Cái cảm giác của lưỡi chạm vào tóp mỡ nóng, phải xuýt xoa; cái cảm giác thòm thèm khi nghe mùi thắng mỡ, cảm giác khoái tưởng như không bao giờ quên được. Tóp mỡ còn lại thường được mẹ chế biến với món dưa cải. Ông mập thì khoái món kho quẹt. Có bi nhiêu đó thôi mà cơm ăn hoài không biết no. Có bữa chỉ có cơm nguội, ông mập làm một chén tóp mỡ với nước mắm nguyên chất, dằm một trái ớt đỏ, hai anh em chan vào mà ngon ơi là ngon.
Ông bà ta có câu "tốt dầu tốt mỡ đỡ đứa vụng" hàm ý rằng dầu mỡ ngon thì món ăn dẫu không khéo lắm thì món ăn cũng dễ chấp nhận hơn. Giờ lo sợ với nào là béo phì, mỡ trong máu, nào là tim mạch, nào là sức khỏe, tuổi thọ làm cái cảm giác nhấm nháp tóp mỡ không như cái cảm giác hồi xưa nữa. Ăn thì cũng thích đó nhưng sau cái đó là cái lo nghĩ. Mà như vậy còn gì thú nữa. Kho cá bây giờ thỉnh thoảng mới mua miếng ba rọi bỏ vô kho chung chứ thường cũng chỉ thêm chút dầu ăn. Mà dùng dầu ăn nên cũng lâu rồi không thấy món dưa cải của mẹ...
Có những món mà cảm giác nếm nó giờ chỉ còn trong kí ức...
Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011
Cá lóc rang muối
Cá lóc ba con, lòng em ba mối
Sả cọng bỏ nồi thêm muối đem rang...
Cá lóc đồng chọn con cở vừa, đem rửa nước muối, nước vo gạo cho sạch nhớt, để nguyên vảy, không mổ bụng. Muối hột rải dày khoảng một phân, xếp sả cọng, đậy kín nắp nồi để lên bếp lửa than đến khi muối nổ lốp bốp thì bỏ cá vào. Sức nóng của muối, mùi thơm của sả rút hết mùi tanh của cá còn lại.
Mở nắp nồi, con cá còn cả vảy trắng đục vì muối bám, thân mình cá vểnh cong lên. Mùi sả, mùi cá chín bốc lên ngào ngạt. Bốc miếng thịt cá trắng tươi còn vương sợi khói, gói với rau sống, bún, bánh tráng, chấm với nước mắm me hoặc muối ớt. Ăn kiểu này thưởng thức được vị ngọt của thịt cá mà nói như kiểu Lê Bình là "bao nhiêu hương đồng cỏ nội ruộng vườn ngấm tận kẻ răng, tì vị đến tận ruột gan, cả đất trời, sông nước thu gọn trong một bữa ăn dân dã".
Cá chạch kho nghệ
Khi mùa nước nổi về, cá chạch cũng sinh sôi này nở nhanh và thịt béo ngọt. Đến khoảng cuối tháng chín dân quê thường đến mùa cào chạch, đặt chạch cuối mùa. Cá chạch mình dẹp, đầu nhọn, da trơn như lươn nhưng nhỏ hơn, có con dài đến hơn 3 tấc, đuôi thường có chấm đen. Cá còn sống thì chịu khó rộng cho nhả hết mồi rồi ngâm với phèn chua và muối hoặc tro bếp vuốt cho sạch nhớt. Cá chạch không cần làm ruột vì cá chỉ ăn phù du có trong đất và bọt nước nên bụng cá là thứ ngon và quý nhất. Nếu có than thì chạch nướng chấm mắm me, chấm cơm mẻ ăn hoài không ngán. Còn không thì cá chạch kho nghệ là món ngon dễ làm mà giàu chất dinh dưỡng. Mùi nghệ thơm, cá chạch dai và ngọt làm cho người ăn một lần là nhớ mãi.
Tép rang
Còn đây cái vó bên sông
Dẫu có theo chồng, em vẫn nhớ quê
Cái kiểu tò mò của người thành thị, về quê nhìn cái gì cũng thấy lạ. Một trong những cái đó là xem kéo vó. Cái vó này đặt ở con sông nhỏ trước nhà. Chỉ là một tấm lưới được căng lên ở 4 góc như hình cái nón lá úp ngược. Các góc nhọn chia làm 4 hướng và được cột lại ở trung tâm để kéo cá. Chỉ cần ở trên bờ, trong cái chòi nhỏ dựng tạm là có thể đánh bắt cả đêm lẫn ngày. Đêm thì chỗ cái vó trang bị thêm cái đèn bằng cái trứng vịt. Ai có chèo xuồng ngang thì kêu lên một tiếng chờ gia chủ kéo vó lên rùi mới qua được. Có đêm được mấy kí lô tép.
Tép vừa kéo ở vó lên, còn nguyên đầu đuôi. Rửa sạch và bỏ vào chảo rang với muối hột đâm nhuyễn. Lửa rang phải lớn. Đảo thì phải đều tay. Thịt tép sau khi rang thì giòn, vỏ căng phồng lên, cứng và giòn. Cắn vào hội đủ: ngọt, mặn, giòn.
Cái kiểu tò mò của người thành thị đã chuyển từ cái ngạc nhiên khi nhìn người nhà quê rang tép. và cũng chính là cái ngưỡng mộ khi thử món này. À, thì ra chồng cũng có món ruột...
Mực trứng
Mực trứng có nhiều vào độ tết. Con bằng ngón tay cái cũng có trứng. Mực mới vớt lên, còn tươi xanh, đưa ngang tầm mắt là thấy bọc trứng. Con mực muốn chế biến cũng không cần cầu kỳ về nguyên liệu. Thân mực mau chín, cắn vào vừa ngọt vừa nghe sừn sựt. Trứng mực khi chín thì ngả màu như cục đường phèn, béo ngậy.
Ở nhà mình, mực đem từ biển về, còn tươi, chỉ cần rửa sạch, kéo bỏ phần xương sống là có thể đem hấp với nước dừa, gừng. Khi chín, mực căng phồng nhìn hấp dẫn. Thêm một chút muối tiêu chanh...Nhiều con còn cả túi mật nhưng khi cắn vẫn thấy được cái ngọt ngào trộn lẫn với cái mằn mặn của biển.
Nếu muốn nướng cũng chỉ ướp nhẹ và để lên lửa than và thưởng thức mùi thơm của mực khi chín. Mà loại mực này nấu cháo, làm gỏi, làm chả cũng rất ngon. Hèn chi mà người ta thường nhắc " Câu mực tuy cực mà vui, Khoái ăn trứng mực lui cui câu hoài..."
Ở nhà mình, mực đem từ biển về, còn tươi, chỉ cần rửa sạch, kéo bỏ phần xương sống là có thể đem hấp với nước dừa, gừng. Khi chín, mực căng phồng nhìn hấp dẫn. Thêm một chút muối tiêu chanh...Nhiều con còn cả túi mật nhưng khi cắn vẫn thấy được cái ngọt ngào trộn lẫn với cái mằn mặn của biển.
Nếu muốn nướng cũng chỉ ướp nhẹ và để lên lửa than và thưởng thức mùi thơm của mực khi chín. Mà loại mực này nấu cháo, làm gỏi, làm chả cũng rất ngon. Hèn chi mà người ta thường nhắc " Câu mực tuy cực mà vui, Khoái ăn trứng mực lui cui câu hoài..."
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)